Pháp thoại “Hải đảo tự thân” trong khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 40.

12/08/2019 2:29
Ngày 11/8/2019, Khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 40 đã diễn ra tại Tu viện Khánh An với sự tham gia của hơn 500 vị hành giả. Các hành giả sau khi đi thiền hành và tọa thiền đã được lắng nghe những lời pháp nhũ quý báu từ Thầy Viện chủ với bài pháp thoại chủ đề: “Hải đảo tự thân”.

Trong bản Kinh “Hải đảo tự thân” có đoạn: “Trên đời có hai thứ tài sản mà người ta thường ưa tìm cầu, đó là tiền tài và pháp tài. Tiền tài là thứ người ta chạy theo người đời để tìm cầu. Pháp tài là thứ người ta có thể đi tìm cầu từ hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Như Lai là người không còn tìm cầu gì nữa, dù là tiền tài hay pháp tài”. Qua đó, thấy rõ rằng, Đức Phật đã nhấn mạnh mỗi con người hãy là hải đảo tự thân, nương tựa bản tâm chính mình mà đừng tìm cầu ở người khác. Hải đảo tự thân cũng chính là phương pháp niệm thân, quán chiếu thân mà suốt bao nhiêu năm còn tại thế Ngài đã truyền trao lại cho các đệ tử. Đây là con đường trực tiếp và duy nhất để đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, để khắc phục sầu não, thoát ly mọi nỗi khổ niềm đau, đạt đến sự an lạc giải thoát, Niết Bàn đích thực. Thầy khuyên các hành giả hãy nỗ lực tinh tấn, tin vào con đường, tin vào pháp môn mà ta đã chọn, ta sẽ đạt được trí tuệ mà thoát khỏi bờ mê tìm đến bến giác. Mỗi chúng sanh ai cũng đều có Phật tánh, do bấy lâu nay ta lang thang trong bể khổ trầm luân sanh tử, cũng bởi vì si mê lầm chấp, bỏ giác hiệp trần, không nhận chân ra được bộ mặt thật của chính ta, không thấy chủ nhân ông của chính ta trong từng sát na nên cứ chạy theo ảo giác vọng tưởng bên ngoài, rồi xa dần tánh giác. Tưởng giả là thật, thấy thật tưởng giả, thấy chơn tưởng vọng, tưởng vọng là chơn, cứ xoay vòng đảo điên như vậy nên không tìm cho mình được lối ra. Thế nên, qua bản Kinh này, Đức Phật khuyên đại chúng hãy quay về nhìn lại mà rõ soi bản thân mình, rõ soi những cảm giác trong tâm thức để tìm lại được sự tĩnh tại, nhiệm màu sáng chói trong tâm mình.



Không những thế, quán thân còn giúp cho tâm ta định tĩnh. Tâm của chúng sinh bản thể luôn ồn ào, náo nhiệt,đầy lăng xăng, tạp niệm. Hằng ngày, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần khiến tâm luôn vọng động. Phòng hộ sáu căn để thấy rõ sự sinh – diệt, diệt – sinh mà tiếp xúc được thực tại nhiệm màu. Nhờ vào quay về hơi thở mà tâm định, tâm đã định thì phước đức phát sinh, tự thể sáng ngời trong thực tại nhiệm màu sáng chói. Và hãy dùng tâm sáng chói ấy rọi soi vào mọi hành động, cử chỉ của bản thân, rõ biết ta đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Mỗi chúng ta đều có một viên minh châu cất sẵn trong người nhưng vì mãi u mê làm tên cùng tử lang thang khắp nẻo đường lục đạo không thấy rõ mà thôi. Nếu được ai chỉ bày hay hướng dẫn và chúng ta thực tâm tu học thì viên minh châu đó sẽ được trả về cho chủ nhân của nó. Cũng bởi vì “biết mà cố phạm”, biết tham dục, biết sân giận, biết si mê là gốc của khổ đau luân hồi nhưng mà mấy ai chịu chấm dứt được. Vì hay dính mắc vào bên ngoài nên bản thân sanh nhiều phiền não, sầu khổ. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta niệm thân giúp tâm định tĩnh mà đoạn trừ phiền não.



Mỗi khoảnh khắc, mỗi sát na trôi qua cũng chính là lúc ta đang tiến dần về điểm cuối trong trục số của cuộc đời. Sinh tử tương tức, nơi nương náu thực thụ của chính ta là nơi nào? Để không bị lệ thuộc, chi phối bởi dòng đời, hãy cố gắng thực tập hiểu được vô thường ta sẽ có được hạnh phúc thực thụ không chỉ đời này mà còn nhiều đời nhiều kiếp khác nữa. Nhân duyên tụ hợp nên ta có mặt trên cõi đời này và khi nhân duyên tan rã thì ta không tồn tại. Thực tập để thấy rõ thực tại nhiệm màu sáng chói và chạm được tuệ giác của Đức Thế Tôn. Đây chính là con đường duy nhất mà Đức Phật để lại cho chúng sinh có được bình an, dập tắt phiền não, thanh tịnh thân tâm. Tự mình nỗ lực tu tập để xây dựng nguồn an lạc, hạnh phúc cho chính mình. “Hãy là hải đảo của tự thân, là nơi nương tựa vững chắc cho chính mình”. Phải chăng đây là tiếng lòng của Đức Thế Tôn luôn kêu gọi chúng ta thực hiện cho kỳ được ngay trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày. Bao giờ tacó thể sống được với chính mình một cách trọn vẹn là lúc mà ta có thể sống an lành và tự tại với tất cả mọi người và mọi loài.



Kết thúc thời pháp, cả hội chúng ai nấy cũng đều hoan hỷ trước những lời dạy bảo quý báu từ Thầy.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:



Tin Tức Liên Quan