DẤU ẤN ĐỘNG LẠI SAU CHUYẾN ĐI MIỀN TRUNG

19/03/2022 2:14
Trước ngày khởi hành cho chuyến thiện sự của Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM vào đầu tháng 3 rồi, tôi cũng như các thành viên trong đoàn khá lo lắng vì thời tiết lúc bấy giờ rét đậm, rét hại, băng giá khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đại dịch Covid-19 sau tết nguyên đán ngày một lan nhanh, số lượng người nhiễm có ngày đạt đỉnh hơn 400.000 ca, chủ yếu là miền Bắc và miền Trung. Đường đi khó khăn, hiểm trở, khoảng cách địa lý các nơi xa xôi,… Lo lắng rất nhiều, nhưng cả đoàn vẫn quyết tâm lên đường vì những mảnh đời khốn khó.

Đặt chân đến Quảng Ngãi, đoàn hướng đến xã Ba Vinh, Ba Tơ để trao giếng nước. Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, cả làng với rất nhiều hộ dân nhưng không có giếng nước sạch để uống. Mùa hè phải đi vào trong suối sâu gánh nước rất xa. Nhiều đứa trẻ từ lúc sanh ra đời cho đến lúc lớn lên chưa từng được uống nguồn nước sạch để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh. Trong lòng của mỗi người dân, ai ai cũng khát khao có được giếng nước sạch để uống. Từ ngày khoan giếng cho đến lúc khánh thành, bà con ai cũng hoan hỷ vô cùng, ánh mắt không dấu nổi niềm vui. Xong hành trình tặng giếng nước, trao nhà tình thương và tặng quà cho bà con khó khăn tại Quảng Ngãi, đoàn lại tiếp tục lên đường đến với vùng đất Quảng Nam thân yêu.

20 căn nhà tình thương và 1.200 phần quà được phân đều cho các địa phương thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đến mỗi nơi, sau khi đại diện đoàn ân cần thăm hỏi, sẻ chia, rồi mời các gia đình phát biểu cảm nghỉ khi có được ngôi nhà mới khan trang. Phần lớn trong số họ không ai nói được câu gì hoàn chỉnh ngoài hai từ  “Cám ơn” rồi đưa tay run run quẹt vội dòng nước mắt. Ngôn ngữ nhiều lúc cũng chẳng để làm gì khi xúc cảm của con người dâng đến tột độ. Đôi khi, chỉ hai từ cám ơn nhưng đã nói lên tất cả sự vui mừng, cảm thán với món quà ý nghĩa, giá trị mà những vị phát tâm đã dành cho. Tôi suy nghĩ rất nhiều, xót xa và thương cho những mảnh đời cơ cực. Quanh năm suốt tháng lam lũ sớm chiều nhưng làm mãi mà chẳng đuổi được cái nghèo ra đi.

Sẽ không có gì để bàn thêm nếu chuyến đi rồi chỉ đơn giản là đợt thiện nguyện. Về Sài Gòn nghiệm lại chuyến đi sao đẹp quá đi. Nó không chỉ là chuyến từ thiện mang ý nghĩa tài thí, giúp dân xây nhà, khoan giếng, tặng quà mà còn là chuyến hành hương, chiêm bái, đảnh lễ các bậc tổ sư; và điều ý nghĩa hơn là đến mỗi nơi Thầy trưởng đoàn đều có pháp thí cho bà con.

Tổ đình Thiên Ấn - Quảng Ngãi, ngôi ở chùa hiện hữu ngót 400 trăm năm, nơi tôn thờ di ảnh của nhiều vị Tổ sư là những vị lãnh đạo tối cao trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20. Cúi đầu đảnh lễ chư vị Tổ sư, tôi thấy lòng mình dâng lên niềm tri ân vô hạn, vừa cảm phục, vừa nghẹn ngào vì những đóng góp to lớn, những tận hiến hy sinh cả cuộc đời cho sự tồn vong và phát triển của đạo pháp, dân tộc. Đứng trong tổ đường nhỏ hẹp mà sao thấy ân đức của liệt vị bao la.  Tôi như được trở về với ngôi nhà tâm linh đã chở che, đã làm điểm tựa, đã làm nền móng để tất cả hàng hậu bối có được những phút giây yên bình của hôm nay.\


    
       Ch
ùa Đạo Nguyên - Quảng Nam, nơi đặc Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, đoàn đến đảnh lễ tôn dung của chư vị Tổ sư tiền bối hữu công. Quảng Nam là một trong những tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, quanh năm hứng chịu nhiều trận thiên tai bão lũ nên đời sống bà con nhân dân nơi này cũng cực kỳ khó khăn. Nhiều mảnh đời, nhiều hộ dân nơi đây trước khi được Ban Văn hóa xây nhà tình thương đã phải mượn tạm chuồng gà, chuồng bò để che nắng trú mưa. Mỗi năm đến mùa đông rét mướt, phải cắn răng chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt của khí hậu khắc nghiệt nơi này. Những ngôi làng hẻo lánh, những con đường đất quanh co đã nói lên sự khó khăn, vất vả của người dân một nắng hai sương. Ngoài hai chùa Thiên Ấn và  Đạo Nguyên, đoàn còn đến một số tùng lâm khác như Chùa Thiên Phước, chùa Hưng Quang, chùa Long Hoa, chùa Trà My …


Dấu ấn động lại mảnh liệt trong tôi ở chuyến đi này có lẻ là khí chất mực thước, từ hòa, sự dung dị, uy nghiêm và nhiếp chúng của thầy Thầy Trí Chơn. Tôi cũng đã tham gia nhiều chuyến thiện nguyện nhưng với tinh thần “ba trong một” (từ thiện, chiêm bái thánh tích, cho pháp thoại) thì có lẽ chưa chứng kiến. Tôi cũng tiếp xúc với nhiều vị trưởng đoàn cũng linh hoạt, khéo léo nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm được từ trường nhiếp chúng của một vị Pháp sư. Do lịch trình dày đặc, đường đi khó khăn, hiểm trở nên giờ giấc chệch choạc khá nhiều. Ở mỗi điểm đến trao nhà và tặng quà quý bà con phải đợi khá lâu. Ấy thế mà khi thầy ấy xuất hiện, những mệt mỏi, những đợi chờ của bà con dường như tan biến. Tất cả thính chúng đều hướng về thầy, chăm chú lắng nghe, tập trung cao độ, dù âm thanh của thầy không thật sự quá lớn. Thầy ngồi trên pháp tòa uy nghiêm, tuyên thuyết lời của Phật, ước muốn hiến tặng niềm hạnh phúc bình dị, niềm hạnh phúc đến từ bên trong của mỗi người. Thính chúng Phật tử ngồi ở dưới lắng nghe, dù là người già, trẻ nhỏ, thanh niên, lão niên đều hướng mắt về phía thầy, hứng từng giọt mưa pháp tan chảy vào tim, lâu lâu còn gật gù, cười mỉm như tâm đắc điều gì giá trị lắm. Có lẻ đây là giây phút bình yên nhất, hạnh phúc nhất của quý bà con sau những năm tháng bon chen, mệt mỏi vật lộn với cơm áo gạo tiền.


Ba thời pháp thoại thầy hiến tặng đến người dân chính là những khoảnh khắc hoan hỷ nhất của bà con Phật tử ở những vùng này. Có một cụ già móm mém bảo; Thấy thầy trên ti vi lâu lắm rồi, thầy nói pháp hay quá, từ tốn, dễ nghe, dễ hiểu. Uớc được gặp thầy ngoài đời một lần cho biết, mà tui ở xa xôi hẻo lánh quá, biết đến bao giờ mới gặp được. Không ngờ hôm nay thầy đến đây, được nghe trực tiếp thầy giảng pháp, được thấy hình ảnh dung dị của thầy, thật sự tui rất hạnh phúc…”.

Chuyến đi khép lại, niềm vui mở ra, sự ấm áp, yêu thương, cảm thông và chia sẻ dường như được nhân lên mỗi ngày. Một chuyến thiện sự, không hẵn là thiện sự, mà còn là ngày trở về ngôi nhà tâm linh, giao lưu văn hóa, vận dụng tài thí giúp đỡ người khó khăn, còn hiến tặng pháp thí để đem lại bình an, phúc lạc cho cuộc đời.


Tiểu Bình


Tin Tức Liên Quan