TÌNH THƯƠNG - CHẤT LIỆU CUỘC SỐNG

31/07/2015 7:05
(Pháp thoại Thầy Viện chủ giảng tại Tu viện ngày 15/07/2015 nhằm 30/05 Ất Mùi, Trung Nhã lượt ghi)

Hôm nay ngày 15 tháng 7 năm 2015 nhằm ngày 30 tháng 05 năm Ất Mùi. Quý Phật tử về Tu Viện Khánh An để sám hối, tụng kinh và thính pháp.

Chúng ta biết trong cuộc sống, giữa con người với con người, giữa con người với cỏ cây hoa lá, với vạn vật điều có mối quan hệ với nhau. Khi mình hướng tâm đến một đối tượng nào đó tức là mình đang quan tâm đến đối tượng đó. Khi tôi trồng cây thì tôi phải quan tâm đến cái cây đó, tôi phải chăm sóc, bón phân, tưới nước…để cho cây được phát triển tốt. Đó gọi là sự quan tâm đến cây trồng. Sự quan tâm đó nói cho đúng nghĩa hơn, đẹp đẽ hơn đó là mình đang gửi tình thương của mình vào đối tượng. Khi mình chăm sóc một cái cây tức là mình đang đặt tất cả tấm lòng, tất cả tình thương của mình vào cái cây đó. Khi một người mẹ thương một đứa con thì người mẹ đem tất cả lòng để chăm sóc con của mình. Khi một thầy giáo quan tâm đến học trò thì phải biết chăm sóc người học trò đó, đem hết kiến thức của mình để truyền trao, đem hết những giá trị về nhân cách, đạo đức để dạy bảo. Nói khác hơn là vị thầy đó, cô giáo đó phải đặt tình thương của mình vào người học trò đó. Khi mình quý, mình thương một người, mình muốn biểu lộ tình cảm bằng cách này hay bằng cách kia, kể cả một lời chào, một lời thăm hỏi đó cũng chính là sự quan tâm, đó chính là đặt tình thương của mình vào người kia. Một tổ chức với một tổ chức cũng vậy, nếu có quan tâm nhau, nếu có thương nhau thì mới dành những điều tốt đẹp đến với nhau. Một người đối xử tốt với ta tức là người kia đang dành cho ta một tình thương trân quí. Nếu ai đó bày tỏ sự trân trọng, bày tỏ sự kính mến dù chỉ bằng một lời chào, tôi đều cảm nhận. Và tự lòng mình, tôi thầm biết ơn người đã quí trọng tôi.

Nhưng thông thường, chúng ta chỉ biểu lộ tình thương, biểu lộ sự thân thiết với những người mình quen biết… Con thương mẹ, vợ thương chồng, hay bè bạn thương quí nhau, thăm viếng nhau là điều hiển nhiên. Nhưng với tinh thần từ bi đức Phật dạy thì, mình không chỉ thương những người thân, những người mình quen biết mà mình phải trải rộng tình thương đến khắp muôn loài. Những người mình quen mình thương đã đành, cả những người mình chưa hề quen biết, chưa hề gặp mặt, nếu người kia gặp khổ đau, người kia gặp khốn khó thì mình cũng phải trải rộng tình thương để dâng hiến tâm từ. Đó là thể hiện tinh thần từ bi đúng nghĩa. Còn tình thương mà chúng ta thường đối xử với nhau đó là tình thương có điều kiện. Tôi thương anh là bởi vì anh thương tôi. Tinh thần từ bi đức Phật dạy là tình thương không phân biệt.

105

Khi mình thương một người nào đó thì mình muốn người kia tốt đẹp hơn, được sung túc hơn, được hạnh phúc hơn. Nếu nhìn sâu hơn thì mình sẽ thấy rằng, khi thương người, giúp người tức là đang thực hành sao cho tâm mình được lớn hơn, bao dung hơn và trùm khắp hơn. Nhờ tâm rộng lớn, bao dung, trùm khắp nên ta có nhiều hạnh phúc. Người tâm hẹp hòi là người luôn gặp nhiều khổ đau. Khổ đau vì tâm không đủ lớn để chấp nhận, để dung chứa - không dung chứa được những điều tốt và cả những điều xấu. Những điều xấu của người, ta không dung chứa, ta chê bai, còn những điều tốt của người ta cũng không dung chứa vì do tâm vị kỷ, ganh ghét, tật đố tạo nên. Càng làm nhiều việc lành, càng giúp được nhiều người khổ thì tâm từ của mình ngày càng được trải rộng.

Khi một người kính tín Tam Bảo, dâng lên lễ phẩm gì đó gọi là cúng dường. Đến với một người mình thương, mình quí bằng món quá gì đó, gọi là hiến tặng. Đem lòng trắc ẩn, đem sự thương xót để mình giúp cho ai đó đang gặp khó khăn, khổ sở bằng vật chất, bằng tinh thần gọi là bố thí.

Thực ra, bố thí cũng có nghĩa là ban tặng, là dâng hiến. Tặng quà cho một người bạn nó thường đi kèm với một sự kiện, một ngày kỷ niệm, ngày lễ gì đó. Còn bố thí là sự ban tặng, là chia sẻ, là đem những cái mình có để giúp cho người kia đang thiếu thốn, đang chật vật. Cái "sự kiện lễ" này do mình chủ động tạo ra.

Có mấy loại bố thí. Thứ nhất đó là tài thí. Tài thí là ban phát, hiến tặng tài sản, vật chất kể cả thể chất. Chúng ta thường tổ chức những chuyến từ thiện, giúp những người nghèo bằng gạo, mì, đường muối . . . Đó gọi là tài thí. Tài thí có hai lãnh vực là nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là bố thí những tài sản thuộc sở hữu của mình, nó là cái bên ngoài do mình tạo nên. Hiến tặng cho người một bát cơm, một bát cháo, một cái áo, một cái chăn, đây gọi là tài thí.

Cuộc sống của chúng ta tùy phước báo của mỗi người mà được thọ hưởng. Có những người khá giả sang trọng quyền quý, có những người đủ ăn đủ mặc và cũng có những người kiếm một đồng cũng không ra. Mà thường đã nghèo thì gặp cái khổ, đã nghèo còn mắc cái eo, đã không có tiền rồi còn bị thất nghiệp, con đau vợ yếu, nay gặp khó khăn này may gặp khó khăn kia. Những người khó khăn rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Có người cho rằng, mỗi người có mỗi phước báo khác nhau. Người đó nghèo là do ngày xưa không chịu bố thí, làm phước cho nên bây giờ phải chịu cảnh nghèo khó. Mình cứ để cho họ lãnh quả báo của họ chứ không nên giúp. Mình giúp thì người ta sung sướng, người ta sung sướng thì quả báo người ta trả chưa hết. Cái nhìn nhận này không chuẩn lắm, nếu không muốn nói là sai lầm. Bởi vì, tính nhân quả là do mỗi con người tự tạo, tự tác rồi tự thọ, còn mình thấy người kia khó khăn, khổ sở thì nó làm cho lòng từ bi của mình phát khởi, mình mở tâm yêu thương, mình giúp, mong người kia sớm qua được cái khó. Giúp người kia cũng chính là làm cho mình mở rộng tâm yêu thương hơn để mình được hạnh phúc. Trường hợp giúp bằng tiền, của gọi là ngoại thí. Còn giúp người bằng những bộ phận trong cơ thể của mình gọi là nội thí. Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên tại sao lại giúp bằng cơ thể của mình, giúp bằng cách nào. Sự sống của mình có mắt, tai, mũi, lưỡi, đầu, mình, tay, chân và nội tạng…thì giúp như thế nào đây. Tự nhiên đang sống, mình có thể cắt tai, cắt mũi biếu cho người kia được sao. Nghe nói thì xa vời nhưng đều này là có thực. Không phải bây giờ người ta mới nội thí mà từ thuở xa xưa đã có. Khoa học càng văn minh, càng hiện đại thì nội thí càng rõ nét hơn.

Chúng ta thấy hiện nay có những người bệnh mà họ cảm thấy là không thể sống được lâu, nên người ta hiến trái tim mình cho y khoa, hiến quả thận cho bệnh viện, hiến đôi mắt này cho những người mù đang cần, hiến những giọt máu này cho những người đang thiếu thốn; thậm chí hiến luôn cả xác thân này sau khi lìa đời để cho nghiên cứu y học. Cái này gọi là nội thí. Nội thí là bố thí một phần thân thể hay toàn phần thân thể của mình để phục vụ vì lợi ích sức khỏe cho cộng đồng.

Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy có một vị Tôn giả tên là Sivali, hiện giờ Phật giáo Nam truyền thờ Tôn giả Sivali như là một vị biểu hiện cho tài lộc. Đây là một tôn giả đắc đạo. Ngài có phước báo là được Phật tử mười phương cúng dường rất đầy đủ, thậm chí lúc nào cũng dư thừa, kể cả không đi khất thực. Có người bạch lên Đức Thế Tôn, Tôn giả Sivali tu hạnh gì mà lợi ích lớn vậy. Đức Phật nhập định thấy được tiền thân của Sivali và Ngài kể lại rằng, nhiều kiếp trước Sivali là một doanh nhân đi dự một buổi đại tiệc, ăn uống rất là no say. Sau khi dự tiệc xong, trên đường về ông ta nhìn thấy một con chó mẹ đẻ được bốn con chó con nằm bên vệ đường, mà con chó mẹ đang đói, lại bị lở ghẻ gần như chỉ còn là da bọc xương. Thân thể của chó mẹ còn không đủ sống nữa thì lấy gì có chuyện có sữa nuôi con. Ông nghĩ mình nên bố thí cái gì đây, tiền bạc thì chó không xài, vàng nhẫn trên tay thì chó cũng không sử dụng được. Thế là ông ta nghĩ ra cách bố thí là móc họng của mình để ói ra những thức ăn mà ông đã ăn từ sáng tới giờ cho chó ăn. Ói đến nỗi mà Sivali phải phát bệnh luôn. Chính nhờ như vậy mà chó mẹ có được bữa ăn để nuôi sống đàn con của mình.

Wiang-Kum-Kam-Original-00017

Hạnh của ngài Sivali chỉ giúp con chó mẹ và những con chó con qua được cơn nguy kịch. Nhưng điều đó dạy ta tâm từ người xuất gia trải rộng đến với các muôn loài, cho dù là loài vật. Nhờ phước báo đó mà Sivali trở thành đại gia nhiều đời, nhiều kiếp và sau đó gặp được Tam Bảo đi tu chứng quả thanh văn, vẫn tiếp tục được hưởng phước báo. Trong thời khoa học công nghệ ngày nay, y khoa có thể sử dụng đôi mắt, quá tim, quả thận của người đã chết ghép cho những bệnh nhân đang thiếu những bộ phận cơ thể tương ứng, và điều đó đã thực hiện thành công. Cho nên ngày nay, người ta có thể tặng đôi mắt, tặng trái tim, quả thận hoặc hiến máu và các bệnh viện luôn trân quí đón nhận những sự cống hiến này.

Ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông, số người bị thường thì gấp đôi, gấp ba. Và những người bị thương thường là bị mất máu, nếu thiếu máu họ sẽ chết. Đó là chỉ nói về thiếu máu do tai nạn giao thông. Còn tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp và vô số bệnh đang rất cần từng giọt máu cứu giúp. Vì vậy, máu là một loại tài sản quí; tim, gan, thận đều là những loại tài sản quí. Hiện nay không ít trường hợp phát nguyện sau khi mãn phần, tấm thân này sẽ cống hiến cho y học. Có người thắc mắc là, nếu hiến thân này cho y khoa, để rồi các bác sĩ mổ sẻ, lấy hết nội tạng, thân thể không còn nguyên vẹn, như vậy có ảnh hưởng gì đến tái sinh không.

Ta biết rằng, Phật dạy vạn pháp giai không, tấm thân này cũng không phải là một thật ngã, chỉ là do duyên tác thành. Khi mãn phần, Tuỳ nghiệp thiện, ác mà theo đó tái sinh. Còn thân này là vay mượn nên phai trả lại chỗ cũ của nó.

Việc hiến xác không liên quan đến tâm thức tái sinh. Hiện nay người ta đã có thể ráp mặt của người này qua mặt của người kia, ráp quả thận của người này qua phần thân của người kia. Năm 2005, lần đầu tiên trong lịch sử y học, các bác sĩ Pháp đã thực hiện thành công ca ghép mặt cho một phụ nữ bị con chó tấn công làm khuôn mặt bà bị hủy hoại toàn bộ. Cũng thời điểm đó có một phụ nữ bị bệnh nan y, biết mình không thể sống lâu hơn nên hiến tặng khuôn mặt cho nạn nhân kia. Và, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép mặt lịch sử đó. Năm 2011, một sự kiện thứ hai cũng diễn ra tại đây, một cậu thanh niên 28 tuổi tên là Dallas Wins đang bắt điện trong nhà thờ, trong lúc làm việc, điện chập làm cháy nhà thờ và cậu ta cũng bị cháy làm khuôn mặt bị hủy hoại. Sau đó một cậu thanh niên hấp hối, không sống nổi, gia đình hứa là sẽ hiến khuôn mặt của cậu này cho Dalas Wins và cuộc giải phẩu cũng đã thành công. Như vậy để thấy được rằng, việc người ta hiến một phần thân thể hay toàn thân cho người khác là điều đã diễn ra trên cõi đời này. Và, nội thí là phẩm hạnh bố thí cao cả. Cho nên, bố thí không phải chỉ giúp miếng cơm, manh áo mà còn là những bộ phận trên thân thể của mình.

Thứ hai là Pháp thí. Pháp thí là tuyên dương, quảng bá giáo pháp của đức Phật cho mọi người đều biết, đều học để mà tu để mà thực hành. Có những Phật tử thắc mắc Pháp thí chỉ dành cho quý thầy thôi, quý thầy thuyết pháp, giảng kinh, truyền bá đạo Phật, chứ Phật tử làm sao mà tu hạnh pháp thí được. Xin thưa, sinh viên đại học có thể dạy cho học sinh lớp mười hai, học sinh lớp chín có thể dạy toán cho học sinh lớp sáu, lớp bảy. Cũng vậy, Phật tử đi trước hiểu biết giáo lý có thể hướng dẫn những người mới bắt đầu đến cửa đạo, dù chỉ là một câu kinh, bài kệ. Như vậy là chúng ta đã đang thực hành Pháp thí. Kể cả, in một quyển kinh, một đĩa giảng để người khác được nghe mà hiểu đạo, đó cũng là Pháp thí.

SMI 5960

Thứ ba là vô úy thí. Uý là sợ hãi, vô úy là không sợ hãy. Vô úy thí là hiến tặng cho người sự vững tâm, sự bình an để cho người bớt lo âu, bớt sợ hãi, bớt khổ sở. Đây cũng chính là pháp môn bố thí cao tột đức Phật dạy. Cuộc sống này, sợ hãi là một trong những vấn nạn, là nỗi ám ảnh lớn nhất của kiếp người. Ra cửa sợ tai nạn giao thông, làm việc sợ tai nạn lao động, sợ ô nhiễm môi trường, ăn một miếng bánh, hớp một miếng nước sợ hóa chất, tối ngủ sợ ác mộng ... Con người bị bao vây bởi rất nhiều nỗi sợ hãi nên con người rất cần sự an ủi, vỗ về, rất cần sự chăm sóc, chia sẻ lẫn nhau, giúp nhau bớt sợ hãi, lo âu. Đây gọi là vô úy thí. Một bác sĩ khám bệnh, khi bệnh nhân bị bệnh nặng thì bác sĩ nói cho nó nhẹ nhàng, còn những bệnh nguy hiểm thì bác sĩ nói như thế nào để bệnh nhân an tâm. Một bác sĩ mà, bệnh nhẹ nói bệnh nặng, bệnh vừa nói là nguy hiểm để kê toa, bốc thuốc; cái đó không phải là lương y như từ mẫu. Có những việc không đến nỗi nguy hiểm nhưng ta nâng quan điểm thành nguy hiểm làm cho người kia kiếp sợ, hốt hoảng. Đó là hành động không có tình thương, không có tâm từ bi. Dù chỉ cần giúp một lời nói, một sự an ủi, vỗ về để người kia bớt lo, bớt sầu đó cũng chính là pháp bố thí.

Có một sự bố thí nữa giúp người kia an vui, đó là sự có mặt của mình cho người kia.

Không ít người quan niệm, khi đi chùa phải có nén nhang, phải có hoa quả, thậm chí phải có bao thơ cúng Phật, đó mới gọi là đi lễ, mới gọi là đi chùa. Thật là ngộ nhận đáng tiếc! Khi đã có lòng thành thì, với hình hài này, với tấm lòng này, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để dâng lên đức Phật. Chỉ bấy nhiêu thôi là đủ. Khi lòng thành không có thì lễ vật có ý nghĩa gì. Khi đến thăm một người bạn, ta thường nghĩ rằng phải có cái gì đem đến cho bạn mới gọi là thâm giao. Có quà tặng cho nhau đương nhiên là tốt rồi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, chỉ cần sự có mặt của mình cho người kia là món quà quý nhất, là sự hiến tặng cao quý nhất. Khi gặp nạn hay gặp những khó khăn, lúc đó được gặp người thân là niềm vui lớn nhất. Nhất là những khi lâm bệnh, nằm một mình trên giường thấy cô đơn, trống trải. Lúc đó người bệnh rất cần một ai đó đến ngồi kế bên mình, chỉ cần ngồi có mặt cho nhau, chỉ cần ngồi nắm lấy tay người kia thì cơn bệnh đã giảm đi rất nhiều. Thành thử, chỉ cần có mặt cho người kia đã là hiến tặng. Với tinh thần từ bi Đức Phật dạy mình có cái gì thì dâng hiến cái đó. Có tài vật thì thí tài vật, có lời nói đẹp thì bố thí lời nói đẹp, có nụ cười thì bố thí nụ cười, có niềm vui thì bố thí niềm vui. Tất cả những cử chỉ, hành động thể hiện lòng chân thành và tình thương khiến người kia bớt khổ, thêm vui đều là thiện nghiệp.

Thời giờ thắm thoát như tên bay, kiếp sống này thật ngắn ngủi, chúng ta đừng đánh mất thời giờ bằng những ánh nhìn thiếu thiện chí, bằng thái độ thiếu tình thương, bằng lời nói thiếu ái ngữ. Có cơ hội để gặp nhau trong một ngôi chùa, một trường học, của một công ty hay một cơ duyên nào đó để quen biết nhau …đó là quý lắm, đó là tốt lắm. Đừng nhìn những mặt trái, đừng nhìn những mặt dở để phê phán nhau, làm tổn thương nhau, gây khổ đau cho nhau. Chúng ta đừng phí nhiều thì giờ cho những điều gây buồn mình, khổ người. Nó không có ích lợi gì cả. Hãy hiến tặng cho nhau những búp sen tay đầy kính trọng, những ánh nhìn thân thiện, những nụ cười hoan hỷ. Đây là sự hiến tặng cao quí nhất.

Tin Tức Liên Quan