Pháp thoại “Chuyển hoá hận thù” tại Thiền viện Thanh Từ Philadelphia

14/09/2019 7:20
Ngày 11/9/2019 - ngày mà 18 năm trước nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda đã cướp máy bay đâm sập toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, New York - thầy Trí Chơn đã có buổi chia sẻ trong bài Pháp thoại mang tên “Chuyển hoá hận thù” tại Thiền viện Thanh Từ, Philadelphia.

Trước khi vào thời pháp, Thầy đã dành vài phút hướng dẫn đại chúng nhập từ bi quán hồi hướng đến các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố thảm khốc xảy ra vào 18 năm trước tại Hoa Kỳ.

Thầy chia sẻ, vào ngày 11/9/2001, một loạt bốn vụ tấn công có mục tiêu bởi nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda chống lại Hoa Kỳ làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ USD. Đây được coi là một trong những tai nạn thương tâm nhất mà nước Mỹ phải gánh chịu trong 18 năm qua. Nỗi đau ấy đè nặng lên gia đình và xã hội. Có thể thấy rằng vì lòng thù hận mà con người đã làm mọi việc tổn hại cho nhau, gây nên bao điêu đứng khổ đau. Cũng vì thấu hiểu con người luôn phải dằn vặt sống trong sầu hận như xé lòng thì Đức Phật Thích Ca đã ra đời, Ngài đem phương thuốc diệt khổ để cứu khổ cho chúng sanh, bằng vô số pháp môn phương tiện ứng hợp với từng căn bệnh.


Đức Phật đã từng dạy tất cả phẩm chất trong tâm của chúng ta đều được biểu hiện qua hành động, lời nói và việc làm lặp đi lặp lại tạo thành nghiệp lực. Nghiệp là một hành động có tác ý do con người tạo ra hoặc ở kiếp này, hoặc ở kiếp khác, hoặc ở thời điểm này, hoặc ở thời điểm khác. Tất cả hành động ta tạo ra không bao giờ bị mất đi, chính bản thân ta là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành động ấy. Nghiệp có hai loại: biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp nghĩa là tự mỗi con người tạo ra khổ đau và tự nhận lấy kết quả đó. Cộng nghiệp là một nhóm người, một cộng đồng, một tổ chức, một xã hội tạo hành động và cùng nhau chịu hậu quả của nó. Nhìn một cách khách quan, trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều gắn kết với nhau và không có cách biệt, ta với người nương tựa nhau, nâng đỡ nhau mà chung sống. Dưới ánh sáng của vô ngã, sự tương tức giữa sống với chết, giữa người kia và người này thật ra là một. Khi ta gây đau khổ cho ai đó thì trong lòng ta cũng đang đau khổ, khi ta gây đau khổ cho một gia đình thì cả gia đình ta cùng nhau sống trong đau khổ. Ngược lại khi ta gieo niềm vui cho người khác thì trong lòng ta cũng đang hạnh phúc. Đức Phật dạy, tất cả chúng sinh đều là anh em bè bạn của nhau, chúng ta có mặt nơi đây là do ta đã từng tạo nhân duyên trong nhiều đời. Bởi trong vô lượng kiếp sanh tử luân hồi chúng ta từng là bà con, từng là người thân. Vì thế hãy khởi tâm từ bi với những người thân trong gia đình, mở rộng hơn nữa là những người xung quanh trong xã hội, những người cùng quê hương tổ quốc, rộng hơn tất cả là mọi chúng sinh đều có mặt cho nhau trong mỗi giây, mỗi phút. Ta có thể chưa thực tập được như thế, nhưng Đức Phật là người có tâm vô lượng nên Ngài xuất hiện trên đời là để hướng dẫn cho chúng sinh thực tập theo giáo pháp của Ngài mà thoát khỏi khổ đau. Trái tim từ bi của Đức Thế Tôn không hướng đến một chúng sinh cụ thể nào, mà trái tim ấy hướng đến vạn loại sinh vật trên cõi đời này. Giáo pháp của Ngài không phân biệt ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, màu da. Khi trái tim thiếu từ bi thì tâm sẽ khởi lên sân giận, phiền não. Vì thế, Thầy khuyên hãy quán chiếu mọi vấn đề, quay về với hơi thở để trái tim mình được rộng mở, giúp người vơi bớt khổ đau. Tình thương càng lớn thì lòng hận thù thu hẹp lại, tình thương ôm lấy tất cả muôn loài, vạn vật thì mọi thù hằn đều được hoá giải. Hãy mở rộng lòng từ bi, yêu thương những con người mà hằng ngày luôn sống trong thù hận, luôn phải sống trong đau khổ, vì rơi vào tà kiến, không thấy được giáo pháp của Đức Thế Tôn mà họ phải chìm đắm vào những việc làm xấu ác. Trong thế giới đầy bóng tối và hận thù của đe dọa chiến tranh và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và tình thương bao dung. Đó cũng là bức thông điệp đức Phật để lại cho chúng ta, bức thông điệp kêu gọi nhân loại hãy phấn đấu để trở thành những con người toàn thiện, những bậc Thánh thoát khỏi mọi sự ràng buộc và đau khổ của kiếp nhân sinh. Khi khổ đau khởi lên hãy lấy tình thương mà ôm ấp, mong sao thế giới này tà kiến được thu hẹp dần, chánh kiến mở rộng ra, ánh sáng của chân lý được thắp sáng trên thế gian để bóng tối của tội ác được thu hẹp dần, sự kì thị, phân biệt chủng tộc, đố kị về niềm tin tôn giáo, về sự khác biệt ý thức hệ, phân loại giai cấp cần được xoá bỏ, để tất cả mọi người đều sống với tâm thiện lành một cách thuần túy, thanh khiết. Chiều cùng ngày thì dành thì giờ để trả lời thắc mắc cho các Phật tử trong đời sống tu tập sau đó 20 phút tọa thiền.

Khóa tu kết thúc trong niềm hoan hỉ của chư phật tử vùng   New York, Philadelphia, New Jersey và  Maryland.

Ngọc Ánh

 

 


Tin Tức Liên Quan