Sau khi hoàn tất thủ tục đón tiếp hành giả, hội chúng dùng sáng tự do. Sau đó, hành giả được Thầy Viện chủ, Thầy Pháp Xứ cùng tăng thân bổn viện hướng dẫn thiền hành – một phương pháp đi trong chánh niệm và tỉnh thức – tự tại và thong dong.
Thiền hành được kết thúc tại Pháp đường Chánh Niệm và thời khóa tụng Năm giới Quý báu được tiếp nối. Năm giới được xem nền tảng thể hiện nền đạo đức nhân bản của người con Phật, là giá đỡ vững chắc cho người Phật tử đang đi trên con đường thánh thiện, là giới đức thể hiện nhân phẩm cao quý cho con người tại thế gian.
Một trong những đề mục chính của khóa tu là pháp thoại. Thời pháp do Thượng Tọa Thích Tâm Đức – Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh thuyết giảng. Với mong muốn hàng Phật tử tại gia có cái nhìn sâu sắc hơn, chân thực hơn về Đạo Phật, Thượng Tọa đã chia sẻ với hội chúng với nhiều khía cạnh như:
- Cái học và hiểu chân thực trong Đạo Phật. Theo Thượng Tọa giảng sư, tất cả các tôn giáo trên thế giới đều hình thành dựa trên niềm tin với những giáo điều nhất định đặc trưng của tôn giáo đó; nhưng đối với Đạo Phật niềm tin tôn giáo có phần khác hơn tôn giáo khác ở chỗ người Phật tử ngoài niềm tin phải còn sự hiểu biết, hay nói cách khác ngoài niềm tin thì cần phải có chánh kiến, chánh tư duy để tiếp nhận được Đạo. Như vậy, nét đặc trưng riêng có của Đạo Phật là niềm tin được hình thành trên cơ sở của trí tuệ. Đạo Phật không chủ trương một thứ niềm tin thuần tuý, thiếu trí tuệ và không có thực nghiệm sẽ dẫn đến cuồng tín.
- Phật không phải là hình tướng
Để làm rõ mệnh đề này, Thượng tọa trích dẫn trong kinh tạng Pali, theo đó, Đức Phật nói rằng, Ngài không phải là chư thiên, không phải là Càn thát bà, không phải dạ xoa, Ngài là con người nhưng là Người Tỉnh Thức. Người Tỉnh Thức có đủ "Tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo" nhưng quan tổng hơn là có được tuệ giác chứng đắc vô thượng, hiểu thấu thế gian. Hình tướng thôi chưa đủ để minh chứng cho một vị đã chứng đắc. Lời khẳng định này giúp chúng ta không còn chấp tướng, không còn chấp tướng thì chúng ta sẽ thấy được cái trí vô ngại của Phật. Chính vậy nên, thượng tọa còn dẫn lấy câu: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” trong kinh Kim Cang để nói rõ ý này.
- Phật là trí tuệ như thật
Thượng tọa giảng sư chia sẻ, như ly nước có ống hút, chiếc muỗng hoặc chiếc đũa trong đó, ta sẽ thấy ống hút, chiếc muỗng hoặc chiếc đũa đó bị gãy khúc. Tâm chúng sanh cung vậy, mọi thứ đi qua nó đều bị gãy khúc. Tâm do phân biệt, chấp trước mà nên. Đây là vô minh. Thượng tọa còn nhắc nhở hội chúng rằng Phật có trong mỗi chúng ta, nếu chúng ta biết nhìn nhận đúng đắn thì sẽ thấy được Phật trí là cái trí tuệ như nhật của Phật và như vậy, học Phật mới có thành tựu.
Thầy khép lại buổi Pháp thoại trong niềm hoan hỷ của hội chúng và hội chúng cũng phần nào hiểu được “Phật Đà – Người là ai” hay thế nào là Phật Đà qua bài giảng của Thượng tọa.
Kết thúc pháp thoại, hội chúng thực tập 10 động tác chánh niệm do Sư Cô Thiện Hải hướng dẫn, sau đó là dùng cơm chánh niệm. Đầu giờ chiều thì hội chúng thực tập nghi thức sám hối.
Nét đặc sắc và mới lạ của khóa tu lần này nằm ở phần tham vấn Phật pháp ở cuối chương trình. Ở phần này, Thầy Viện chủ có sự đổi mới cách tham vấn. Thầy hướng dẫn hội chúng thành hai nhóm, một nhóm viết một câu “NẾU” bất kì, nhóm còn lại viết một câu “ THÌ” tùy hứng. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ ngẫu hứng chọn mỗi nhóm một câu ghép lại để có một câu nhân quả NẾU – THÌ; Thầy viện chủ sẽ tùy vào từng câu mà đưa ra lời bình phù hợp nhất.
Số lượng câu "Nếu - Thì" gửi về khá nhiều nhưng, BTC chỉ đọc vài chục câu, và trong số đó chọn ra 10 câu có ý nghĩa như:
· Câu 1: "NẾU hôm nay con không đi chùa THÌ con sẽ không an lạc”. Câu này được Thầy bình như sau, câu này đúng với người Phật tử, cần phải thường xuyên đến chùa để tu tập, vun trồng phước tuệ nhưng cũng đừng nên bị kẹt vào nó, nếu chúng ta vì nhiều lí do không đến được chùa thì chúng ta có thể thực tập bằng nhiều cách khác cúng có thể đem đến an lạc.
· Câu 2: "NẾU như hôm nay con bận không dự được khoá tu này THÌ ở nhà ngồi thiền”. Thầy giải thích rõ thêm, nếu có bận không đến được chùa thì hãy ở nhà ngồi thiền, Thầy có lời khen cho câu “THÌ” này, Thầy nói rằng, hành thiền là việc rất hữu ích nhưng lại có rất ít người thường xuyên thực hành dù là tại gia hay xuất gia, Thầy tán dương hành giả viết câu này vì đã có sự tinh tấn trong việc hành thiền.
· Câu 3: " NẾU cuộc đời là giông bão THÌ ta hãy ngồi thở và mỉm cười”. Thầy có nhận xét đây là câu “NẾU – THÌ” rất ý nghĩa, Thầy nói, chúng ta thường có tâm lí đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không chịu xét lại chính mình. Chẳng hạn như tôi bị té ngã là tại cục đá này, nếu không có nó tôi sẽ không ngã, chúng ta nào biết rằng, nếu chúng ta có chánh niệm và tỉnh thức thì sự tồn tại của cục đá đâu làm cho ta ngã, sao không nghĩ rằng, là do ta tự vấp phải nó chứ nó đâu có chủ ý làm ta vấp ngã. Chính tâm lí đổ lỗi này làm chúng ta yếu đuối và bế tắc trước bão tố cuộc đời. Nghe lời bình của Thầy làm chúng tôi nhớ đến lời dạy của cổ đức: “tiên trách kỷ hậu trách nhân” hay “ khắc kỷ ái nhân”, đây là hai câu nói đề cao trách nhiệm của bản thân và người học Phật nếu nắm được tinh thần ấy cũng như câu “nếu cuộc đời là giông bão thì ta hãy thở và mỉm cười” thì tác động của ngoại cảnh sẽ không làm trở ngại cuộc đời của mình nữa.
· Câu 4: "NẾU không biết đến Phật THÌ con người sống không có ý nghĩa” đây là câu đậm chất suy tư và trăn trở. Thầy viện chủ rất bất ngờ khi người viết câu “NẾU” này là chú Anh Toàn – chú tập sự mới của tu viện, chú xin nhập chúng tòng Tăng tu học cũng được một tháng rồi. Sau khi bình phẩm câu này, Thầy có sự nhận xét về các câu và đưa ra giải thưởng cho từng câu. Tuy là những giải thưởng và phần thưởng mang tính tinh thần song lại là niềm vui rất lớn của các hành giả.
Phải nói rằng, tại buổi tham vấn Phật pháp hôm nay, sự mới lạ về hình thức là niềm cảm hứng của hành giả, đúng như câu nói “sự ngẫu nhiên đôi khi là phù hợp nhất”, trong cuộc sống này, chúng ta luôn cố gắng tạo ra sự phù hợp, cố ý để được phù hợp, nhưng chỉ có sự ngẫu nhiên mới làm cho chúng ta lâng lâng xúc động.
Khóa tu khép lại trong niềm xúc động trào dâng của hội chúng, và cũng như câu nói của một hành giả: “ lần sau, con lại đến”!
Trung Lưu – Trung Nhân
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Tin Tức Liên Quan
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức Lần thứ 12: Bậc Thầy Trị Tâm Bệnh (28/02/2017 8:10)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 11: Chiêm nghiệm sự Thành đạo của Đức Phật (10/01/2017 6:34)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 10, chủ đề Ngày Nở Hoa. (14/11/2016 5:46)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 09: Ba Điều Cần Nhận Diện Để Sống An Lạc (13/09/2016 12:11)
- Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần 08: NHỮNG TRÁI TIM PHẬT BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG (19/07/2016 4:21)
- Khoá tu SỐNG TỈINH THỨC lần 07: CHỈ BẢY BƯỚC THÔI (17/05/2016 5:23)
- Khoá tu Sống Tỉnh thức lần 06 HẠNH PHÚC BÂY GIỜ (23/03/2016 1:46)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 5: HƯỚNG VỀ NON THIÊNG YÊN TỬ (23/12/2015 4:42)
- DOANH NHÂN VỚI KHOÁ TU SỐNG TỈNH THỨC (29/10/2015 5:23)
- Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần 4: CHÁNH NIỆM TRONG CÔNG VIỆC VÀ DƯỠNG THÂN (27/10/2015 6:28)