Vượt Qua Định Kiến Pháp Môn

4/07/2018 12:30
Khi thành lập tăng đoàn Đức Thế Tôn đã dạy: "Này các thầy, hãy đi đi, mỗi người một hướng! Mà đừng đi theo hai người một hướng. Hãy đi để đem giáo pháp của ta hoàn thành ở chặng đầu, hoàn thành ở chặng giữa, hoàn thành ở chặng sau". Sau khi nhập diệt giáo pháp của Đức Thế Tôn vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay do chư vị tổ sư đã tiếp nối con đường của Ngài.

Phật giáo đã cắm rễ sâu tại khắp nơi trên thế giới nhờ phương tiện quyền xảo của chư vị Tổ Sư. Mỗi nơi các ngài đều vận dụng giáo pháp phù hợp với văn hoá bản địa. Muốn tồn tại, phát triển đạo Phật phải tự thích nghi, sống phù hợp, hành đạo phải khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ. Nhìn Phật giáo Việt nam chúng ta đã thấy lối sinh hoạt khác nhau của từng tông môn, hệ phái, vùng miền... không thể nói rằng pháp môn này đúng, pháp môn này là tối thượng, rồi đem tâm so sánh, phân biệt, khinh chê. Cốt lõi của sự hành trì là những lợi ích của pháp môn đem lại giúp chuyển hoá  tâm thức của mình. Hãy nhìn vào nội tâm để kiểm định pháp môn tu tập, kiểm chứng bằng cách xem phiền não, tham, sân, si có ngày càng thuyền giảm, teo tóp  hay phình trướng ra. Nếu như có những sự thay đổi theo chiều hướng tích cực thì tu tập có kết quả, cho dù con đường đang đi là thiền, tịnh hay mật.

Làm sao để hướng dẫn Phật tử có con đường sáng để thực tập? Đây có lẽ là một thao thức chung của những người có tâm giáo dục, tâm hướng thiện muốn dẫn dắt cho các thế hệ mai sau. Đất nước tuỳ mỗi vùng miền mà có những nét văn hoá riêng nên Phật giáo cũng theo đó mà hoà mình để duy trì phát triển. Pháp Phật là pháp hành, do vậy hãy hướng dẫn tín đồ thực tập giáo pháp. Lễ nghi chỉ là hình thái tôn giáo, là lớp vỏ của đạo Phật, đừng lấy sự khấn nguyện làm cứu cánh rồi phó thác thân mạng cho Phật, Tổ, đất trời ... Ngay như đốt vàng mã cũng là điều vốn xa lạ với Đạo Phật truyền thống. Đây là tập tục của Nho Lão. Chúng ta hay bị lối mòn dẫn dắt nên cứ ... “xưa bày nay làm”. Vậy mới là đúng? Cách đây vài năm, thống kê cho thấy, người Việt Nam trung bình mỗi năm đốt khoảng 500 tỷ đồng cho vàng mã. Một con số không hề nhỏ nếu dùng vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội . . . đời sẽ tốt biết bao. Kể cả với khoản tài chính này, có thể thực hiện việc tổ chức các khoá tu giúp con người chuyển hoá nội tâm sẽ lợi lạc cho cộng đồng xã hội.

Tâm an thế giới an! Khi trong tâm còn những lo lắng, bất an ta thường tìm người này, xin người kia sự bình an nhưng ai có thể cho mình bình an ngoài mình cơ chứ?

Sự phát triển xã hội ngày nay giúp con người vượt tới một tầm cao mới về nhận thức, vậy mà để thay đổi những tập khí cố hữu thì không hề dễ dàng chút nào.

Có những vị tôn đức muốn được trao truyền những hạt giống thảnh thơi, vững chãi từ Đức Thế Tôn, để hành giả thấy được chính mình cũng đã phải vượt qua những “định kiến pháp môn”, can đảm lắm mới tổ chức khoá tu thiền chánh niệm cho Phật tử.

Giáo pháp vốn dung thông, chỉ có định kiến mới làm ngăn ngại nhận thức con người về  giáo pháp.

Thức Nguyễn 

Tin Tức Liên Quan