Viên Đá Cuội

11/06/2018 5:34
Một sáng tinh sương, vị Thầy già đang ngồi tĩnh lặng bên chén trà, một chú điệu với khuôn mặt buồn thiu, ủ dột chắp tay quì thưa:

- Bạch Thầy, con muốn xuất chúng về nhà.

- Tại sao con lại muốn xuất chúng, con định rời Thầy, xa đệ  huynh sao?

- Nước mắt rưng rưng, chú thưa: Con rất thương Thầy, thương huynh đệ nhưng chắc con phải đi thôi. Lúc được 6 tuổi, cha mẹ mất trong một tai nạn giao thông, bơ vơ không nơi nương tựa, ông bà nội thì già không đủ sức chăm sóc con, Thầy đã từ bi đưa con về chùa nuôi nấng chăm sóc, dạy dỗ và nuôi như con ruột của mình. Trong lòng con, Thầy không chỉ là thầy mà còn là một người cha. Nhưng con cảm thấy tủi thân vì phận mồ côi, vì sự ốm đau chẳng làm được gì, vì sự học chậm chạp luôn bị người khác chê dốt, chê ngu. Bây giờ đã 16 tuổi rồi, con muốn về lại đời, ở với ông bà nội, con không muốn mình là kẻ ở trong Tăng, thọ dụng  của tín thí, đàn na mà chẳng làm được gì khác nào kẻ “lạm xí tăng luân”

Trầm ngâm giây lát, vị thầy trả lời: Con nên ý thức rằng người tu không phải là kẻ ăn bám xã hội. Nếu thực tu, con sẽ trở thành vị Thầy tâm linh, giúp mọi người chuyển hóa khổ đau và trở thành ruộng phước cho nhân thiên, đều này đã được minh chứng qua hình ảnh của chư Phật và các bậc thánh Tăng.

Chú điệu buồn xo đáp: Nhưng thưa Thầy, con cảm Thấy mình bất tài vô dụng, chẳng làm được việc gì có ít cho Phật giáo và chúng sinh. Biết là khi về lại đời sẽ khổ lắm, vì từ nhỏ ở chùa nên chẳng có nghề nghiệp gì, nhưng con muốn về lại đời ở với ông bà nội, cho dù ra đời bán vé số con cũng chịu.

Suy tư giây lát, vị Thầy nói tiếp: Thôi cũng được, nhưng trước khi đi con làm cho Thầy một việc.

- Dạ được! Thầy cứ sai bảo, việc gì con cũng có thể - Chú điệu đáp.

Ngoài thác nước có một số sỏi đá, con hãy nhặt một viên, chùi rửa thật sạch, ngày mai con đem vào xóm trong bày cục đá đó ra bán. Nếu ai hỏi gạ mua con nói trị giá cục đá là 10 đồng. Và, khi họ có ý định mua thì con không bán và đem về cho Thầy.

Chú điệu suy nghĩ: Không biết Thầy mình muốn gì nhỉ, sao lại bảo mình đi ... bán đá, nhưng khi khách đồng ý mua thì lại không bán(?!).

Sớm hôm sau, sau khi làm sạch, chú điệu đem viên đá bày ra bán ở một góc chợ. Mọi người kẻ qua người lại, thấy chú ngồi từ sáng tới trưa, khuôn mặt hiện lên vẻ mệt mỏi ai cũng thương. Nhiều người hỏi giá nhưng không ai mua. Một vị khách thấy vậy bèn hỏi giá, nhưng khi đồng ý mua hòn đá thì chú không bán. Chú chỉ nói lời cám ơn rồi man hòn đá chạy thẳng về chùa.

- Bạch Thầy, đã có người mua hòn đá này với giá mười đồng rồi.

Vị Thầy mỉm cười và nói: Ngày mai, con qua một xóm khá hơn bày viên đá bán cho Thầy, nhớ đặt viên đá trên khay trà nhìn cho ... đẹp mắt tí. Lần này, có ai hỏi mua con nói giá 20 đồng, nhưng khi họ mua thì con không bán và đem về lại cho Thầy.

Hôm sau, điệu lại bày viên đá ra một góc, mọi người đi qua lại trả giá. Một lát sau cũng có người chịu mua với giá 20 đồng và,  câu trả lời của chú vẫn là “Cám ơn” và hớn hở đem viên đá về thưa lại Thầy mình.

Vẫn như hai lần trước, sau khi điệu thưa, Thầy nói đưa viên đá đây thầy viết vài chữ thư pháp lên đó, và cũng vào ngày mai, con đem viên đá đến vào xóm bày ra bán cho Thầy. Lần này có ai hỏi giá con nói 100 đồng, nhưng khi họ mua thì không bán và đem viên đá về.

Lần thứ 3 cũng theo lời Thầy, chú lại bài bán viên đá ở một xóm giàu. Lần này mọi người qua lại trả giá rất nhiều, một vị khách dừng mua và đồng ý với giá 100 nhưng phản ứng của chú vẫn là “cám ơn” và chú không bán và hớt ha hớt hải chạy về thưa với Thầy đã có người mua viên đá với giá 100 đồng.

Sư phụ mỉm cười, xoa đầu chú và nói: Con cũng giống như hòn đá đó vậy. Lúc 10 đồng, lúc 20 đồng rồi dần lên đến 100 đồng là tùy thuộc con là ai, con ở đâu và ai gặp con. Tại sao vàng, kim cương lại được mọi người quý trọng, chẳng qua là vì nó hiếm và mọi người đặt định nó như vậy. Cũng giống như tượng Phật, nếu một vị Phật tử sẽ hết lòng tôn kính, lễ lại vì đó là biểu tượng của chánh niệm tỉnh giác, lòng đại bi và trí tuệ; còn nếu một kẻ ngoại đạo nhìn vào thì chỉ là khối gỗ hay xi măng mà thôi. Mọi thứ trên đời đều có giá trị riêng của nó, không có gì là hoàn toàn vô dụng. Con phải nỗ lực hoàn thiện bản thân, để nâng cao giá trị mình. Bên cạnh đó con cũng cần đặt mình đúng chỗ. Tu hành cảnh duyên là yếu tố cực kỳ quan trọng, môi trường tốt sẽ làm tăng trưởng hạt giống bồ đề, môi trường xấu sẽ tiêu nha bại chủng hạt giống Phật. Có một lần Ngài Ananda thưa với Phật, Ngài nghĩ rằng thiện tri thức quyết định năm mươi phần trăm sự thành tựu của người tu. Phật đã trả lời: “Không phải vậy đâu Ananda, thiện tri thức quyết định một trăm phần trăm sự thành tựu của người tu”. Cho nên, thiện tri thức và môi trường cực kỳ quan trọng trong cuộc đời mình. Thầy muốn con ở lại tu tập sau này giúp ít cho đời, Thầy tin là con sẽ làm được.”

Chú điệu nghe nói vậy rưng rưng nước mắt, chạy đến ôm sư phụ: “Con biết rồi thưa Thầy!”. Về sau, chính chú điệu đó đã trở thành một vị cao tăng nổi tiếng, ai cũng ngưỡng mộ và kính phục.

Minh Thuấn

Tin Tức Liên Quan