Đây là nỗ lực của Thế Thân (Vasubandhu ) trong việc dùng tư tưởng duy thức của trường phái Đại Thừa Du Già để diễn đạt giáo lý duyên khởi đã được Đức Phật tự thân chứng ngộ.
Với mục đích trên, nội dung duy thức được chia làm ba phần chính:
Phần 1: Kệ bản Phạn từ 1-2a, trình bày mối quan hệ giữa nhận thức và thực tại. Đời sống thực của chúng sinh (dưới tên gọi ngã và pháp) chuyển biến đa dạng, sự chuyển biến ấy diễn ra dựa trên sự chuyển biến của thức.
Phần 2: Kệ 2b-16. Xem xét hệ thống nhận thức và vai trò của nó trong việc hình thành dòng luân hồi của con người. Tương đương phần quán lưu chuyển trong phép Quán duyên khởi Mười hai chi.
Phần 3: Kệ 20-30, Xem xét tính chất của nhận thức, bản chất chân thật của nhận thức và sự an trú của nhận thức trong trạng thái chân thật để chuyển hóa nhận thức thành tuệ giác làm căn bản cho đời sống an lạc, giải thoát.
Thuật ngữ “Thức” ở đây mà Thế Thân dùng không chỉ giới hạn trong phạm vi của tâm lý học hiện đại mà còn trình bày sự “chuyển biến” của Thức dẫn đến sự thay đổi đời sống của chúng sinh. Sự chuyển biến hay còn gọi là Thức biến dựa trên sự chuyển biến của tám thức gồm: Thức Alaya, Thức Mạt Na, Ý Thức và năm thức liễu biệt. Các nhà Du Già Hành phái không phủ nhận các pháp thế gian là không có, sở dĩ nói Ngã và Pháp là không vì do duyên khởi, các pháp pháp sinh do điều kiện. Theo các vị nói đến “Duy Thức” là muốn nhấn mạnh về sự chuyển biến trong quá trình tu hành, sự chuyển “Thức” thành “Trí”. Khi “Thức” thay đổi dẫn đến sự thay đổi y báo và chánh báo, tức là sự thay đổi của thân tâm và hoàn cảnh sống. Cho nên mở đầu Duy Thức bản Sanskrit viết:
ātmadharmopacāro hi vividho yaḥ pravartate|
vijñānapariṇāme'sau pariṇāmaḥ sa ca tridhā||1||
Dịch: Cái được ẩn dụ là ngã và pháp mà có sự đa dạng, nó là một sự biến thái, xảy ra trong sự biến thái của thức. Và sự biến thái ấy có ba loại. (Ba loại bao gồm Dị thục hay gọi là Alaya, tư lương gọi là Mạt Na và liễu biệt cảnh thức bao gồm sáu thức còn lại).
Người học Duy Thức Tam Thập Tụng, khi đối chiếu bản Tiếng Phạn và bản dịch tiếng Hán dẫn đến nhiều ý nghĩa sai khác.Trong kệ 3 bản tiếng Hán viết:
Bất khả tri chấp thọ
Xứ liễu thường dữ Xúc.
Câu này thường được hiểu là: Hành tướng của thức Alaya là “Chấp Thọ” tức y báo và “Xứ” tức chánh báo rất vi tế, chẳng phải tâm thô thiển của người thế gian có thể thấy nghe, biết được, vì thế mà nói “Bất khả tri”. Nhưng trong bản Phạn viết:
Asamviditakopādi athānavijnaptikam ca tat
Dịch: Sự biểu thị thân mạng và xứ sở chưa được biết đến.
Theo lời giải giải thích của Ngài Sthiramati (An Huệ), một trong mười luận sư thuộc trường phái Duy Thức, câu này được hiểu như sau:
Asaṃviditaka upādir yasmin asaṃviditakāvasthanavijñaptir yasmin tadālayavijñānam asaṃviditakopādisthānavijñapti
Dịch: Nơi mà cơ sở sinh mạng chưa được biết đến, và sự thông báo về thế giới tự nhiên chưa được biết đến, đó là thức a lại da, cái chứa sinh mạng và sự thông báo thế giới tự nhiên chưa được biết đến.
“Chưa được biết đến” vì các chủng tử trong a lại da chưa biểu hiệu ra căn thân và thế giới, vẫn còn tồn tại với dạng năng lượng tiềm năng. Ý nghĩa này khác xa so với nghĩa “chấp thọ và xứ rất vi tế” nên không thể biết được, “chấp thọ và xứ” ở đây đã được biểu hiện ra không còn tồn tại dưới dạng tiềm năng nữa. Lời giải thích của Sthiramati rất gần với những nghiên cứu khoa học về lượng tử hiện nay.
Các nhà lượng tử học khi nghiên cứu về căn nguyên hình thành nên thế giới đã có những kết luận gần giống với Phật giáo. Giáo sư vật lý học John Hagelin, Maharishi University cho biết: “Sự tiến bộ hiểu biết của chúng ta về vũ trụ thông qua các nhà vật lý trong một phần tư thế kỷ qua đã ở mức độ sâu hơn về định luật thiên nhiên. Từ vĩ mô đến vi mô, từ phân tử tới nguyên tử, từ hạt nhân tới mức độ dưới hạt nhân. Tất cả các lực thiên nhiên và tất cả cái gọi là hạt cơ bản như: quarks, leptons, protons, neutrons...nay được hiểu chỉ là những làn sóng khác nhau trên một đại dương duy nhất của sự tồn tại. Và cái mà chúng ta khám phá ở mức độ cốt lỗi của vũ trụ, nền tảng của vũ trụ đó là một Trường Thống Nhất. Nó là một đại dương vũ trụ, một đại dương của sự tồn tại ở mức độ cơ bản làm nền tảng cho mọi thứ, một đại dương thuần túy tiềm năng cho sự hiện hữu vạn vật. Chúng tôi gọi nó là Trường Thống Nhất hay Trường Siêu Dây. Và thật quan trọng khi nói rằng thế giới tiềm năng đó không phải là thế giới electrons mà là thế giới tiềm năng electrons. Trường thống nhất chỉ là dạng tiềm năng, các làn sóng nổi lên, dao động để làm xuất hiện các hạt cơ bản, con người, vạn vật mà chúng ta nhìn thấy trong vũ trụ mênh mông. Tinh thần, vật chất, tất cả cái gọi là hạt cơ bản của vũ trụ, các lực của vũ trụ chỉ là những làn sóng dao động dưới Trường Thống Nhất này. Cơ học lượng tử chỉ là một cuộc chơi, cuộc trình diễn của tiềm năng. Vậy điều tôi cần nhấn mạnh là càng đi sâu vào cơ cấu của luật thiên nhiên thì càng ít vật chất và càng ít quán tính, càng muốn nắm bắt thực tại của sự vật được làm bằng gì càng không thể nắm bắt. Do đó, Trường là một “nơi” ngoài không gian, thời gian, tất cả đều tồn tại dưới dạng tiềm năng. Trường này không chứa hạt cơ bản, nó không phải là vật chất, không phải là một phần của vũ trụ vật chất, nó là cái mà toàn thể vũ trụ được làm nên, tồn tại dưới dạng tiềm năng.”
Nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Australia cũng đã tái hiện một thí nghiệm nổi tiếng và chứng nhận những suy luận khá kỳ quái của ngành vật lý lượng tử về bản chất của hiện thực, bằng việc chứng minh rằng thực tế thì hiện thực không tồn tại cho đến khi chúng ta đo được nó. “Thí nghiệm đã cho thấy việc đo đạc sẽ quyết định tất cả. Về mặt lượng tử mà nói, thì hiện thực không tồn tại nếu như anh không trực tiếp nhìn vào nó,” trưởng đội nghiên cứu và đồng thời là nhà vật lý học, Andrew Truscott, đã cho hay trong một buổi họp báo.
Lý thuyết về Trường của vật lý hiện đại rất gần với A lại da của Phật giáo. Những nghiên cứu khoa học trên đã phần nào chứng minh được luận điểm của Sthiramati khi nói về thức A lại da.
Khi đọc Duy Thức Tam Thập Tụng bản Hán ở kệ 17, thông thường được chấm câu như sau:
Thị chư thức chuyển biến/
Phân biệt sở phân biệt/
Do thử bỉ giai vô/
Cố nhứt thiết Duy thức/
Dịch: Do các thức chuyển biến sinh khởi ra các năng phân biệt và sở phân biệt; lại chính các pháp nầy đều không, cho nên tất cả là Duy thức.
Nhưng trong bản tiếng Phạn viết:
vijñānapariṇāmo'yaṃ vikalpo yad vikalpyate|
tena tannāsti tenedaṃ sarvaṃ vijñaptimātrakam||17||
Dịch: Sự biến thái này của thức là một cấu trúc nhận thức. Cái gì được cấu trúc nên bởi nó, cái đó không thật. Bởi thế, toàn bộ cái này chỉ là sự hiển của thức.
Ở đây từ vikalpa xuất phát từ căn động từ vi-kḷp: xây dựng, cấu trúc. Cho nên từ vikalpa được hiểu là “cấu trúc”, tương đương với chữ Hán Ngài Huyền Trang dịch là “Phân biệt”. Vikalpa là một “cấu trúc nhận thức” dựa trên sự chuyển biến của thức, sự chuyển biến này bao gồm cả tám thức. Chuyển biến trên mặt nhân là sự chuyển biến của thức thứ 8, các chủng tử bị thay đổi do huân tập. Chuyển biển ở mặt quả bao gồm 7 thức còn lại, là những chuyển thức khởi lên từ A lai da. Do đó, nếu theo bản tiếng Phạn thì cần chấm câu lại bản Hán, từ đó dẫn đến sự khác biệt về ý nghĩa so với cách chấm câu thông thường.
Thị chư thức chuyển biến phân biệt/ Sở phân biệt do thử/ Bỉ giai vô/ Cố nhứt thiết Duy thức/
Dịch: Chuyển biến này của thức là phân biệt (vikalpa-cấu trúc nhận thức), cái được phân biệt nên bởi nó, cái đó không có, vì vậy tất cả chỉ là thức.
Ở kệ 29, Ngài Huyền Trang dịch:
Vô đắc bất tư nghì
Thị Xuất thế gian trí
Xả nhị thô trọng cố
Tiện chứng đắc Chuyển y
Dịch:
Vô đắc không nghĩ bàn
Là trí xuất thế gian
Xả hai thô trọng vậy
Liền chứng đắc chuyển y.
Trong bài kệ Ngài Huyền Trang dùng từ “bất tư nghì” tương đương từ Sanskrit là “acintya”, nhưng trong bản Phạn có sự sai khác:
acitto'nupalambho'sau jñānaṃ lokottaraṃ ca tat|
āśrayasya parāvṛttirdvidhā dauṣṭhulyahānitaḥ||29||
Bản Phạn dùng từ “acitta” nghĩa là “vô tâm” chứ không phải “bất tư nghì- acintya”.
Ngài Sthiramati định nghĩa “acitta-vô tâm” như sau:
Tatra grāhakacittābhāvāt grāhyārthānupalabhāc ca/ acīto'nupalambho asau..../
Dịch: Ở đó vì không có tâm năng thủ, không có sự nắm bắt cảnh sở thủ , nên nó là vô tâm, vô đắc.
Đó là một số điểm sai khác giữa Duy Thức Tam Thập Tụng bản Phạn và Hán. Cho nên người học Duy Thức cần nghiên cứu, đối chiếu hai bản tiếng Phạn và Hán để có một cái nhìn thông suốt. Mặc dù chỉ 30 bài kệ, Duy Thức Tam Thập Tụng đã bao quát những điểm chính yếu trong giáo lý Phật dạy, giúp chúng ta có thể dựa vào đó soi rõ bản thân, xem mình đang sống thế nào, đang bước đi trên con đường tốt đẹp Phật chỉ dẫn để đi đến chỗ an lành hay vẫn theo tập khí năm xưa, cứ bì bõm trong dòng lũ vô định bất an. Với những giá trị thiết thực ấy, Duy thức tam thập tụng là bản luận rất căn bản và cần thiết không những cho những người tu học thuộc trường phái Du Già mà còn cho bất cứ ai muốn chuyển hóa cuộc sống mình theo hướng giải thoát an lạc.
Trung Nhã.
Tin Tức Liên Quan
- Vượt Qua Định Kiến Pháp Môn ( 4/07/2018 12:30)
- Cho Đi Để Thấy Mình Hạnh Phúc (27/06/2018 5:00)
- Phân Biệt Giữa Ước Muốn Và Ái Dục (17/06/2018 2:03)
- Viên Đá Cuội (11/06/2018 5:34)
- Chén Trà Và Đoá Hoa Trong Ngày Tiếp Nối ( 1/06/2018 5:00)
- Hạnh Phúc Thay Sống Có Giới! (31/05/2018 11:31)
- Đêm Nhạc Kính Mừng Phật Đản Tại Tu Viện Khánh An (31/05/2018 3:03)
- Niệm Ân Thầy (27/05/2018 3:23)
- Làm Mới Đạo Phật (25/05/2018 3:26)
- Đất Tuệ Nở Hoa Tâm! (25/05/2018 3:23)