Thầy
nói rằng phòng hộ là canh giữ, bảo hộ. Bảo hộ cái gì? Thân ta có sáu giác quan
chính là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu cánh cửa này luôn mở ra để tiếp xúc với sáu
trần cảnh (hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon, xúc chạm, pháp trần). Khi sáu giác
quan tiếp xúc với sáu trần cảnh thì cảm
thọ vui khổ và tâm yêu ghét có mặt. Nếu yêu thích thì chạy theo, tìm cách chiếm hữu. Nếu ghét bỏ thì tìm cách xua đuổi,
khử trừ. Căn không được phòng hộ thì lập tức chúng ta bị tham sân chi phối.
Phần lớn thời gian của đời người là tìm mọi cách để thỏa mãn các giác quan. Trớ trêu thay là nhu cầu của giác quan không bao giờ thỏa mãn, vì thế mọi khổ đau, không như ý đều bắt đầu từ đây.
Ta phòng hộ sáu cơ quan
của cơ thể để chuyển hoá. Chuyển hóa những cái dở thành cái tốt, cái bẩn thành
cái sạch và cái u tối thành ánh sáng trí tuệ.
Nếu
biết chuyển hóa thì chúng ta sẽ được an vui; nếu không, đau khổ sẽ ngày càng
nhiều và trở thành thói quen không tốt. Bực bội một chút mà không hóa giải được
thì sẽ ngày càng chồng chất, khiến cho chúng ta khi gặp chuyện gì cũng dễ sân
giận, tính cách trở nên khó chịu và hay phiền não.
Đệ tử chúng con từ vô thỉ
Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê
Vào ra sinh tử biết bao lần
Nay đến trước đài Vô Thượng Giác.
Thỉ chính là cái bắt đầu,
cái uyên nguyên, đầu tiên nhất. Vì duyên sinh nên vạn pháp có mặt. Con người vì
mê lầm nên mới ra vào cõi sanh tử luân hồi không biết bao nhiêu lần. Và trong
cuộc tử sinh ấy ta đã may mắn nhận chân được cái khổ nên tìm về với Đức Phật.
Ngài chính là người tỉnh thức và giác ngộ, bậc giác ngộ vẹn toàn.
Được mang thân người là phước báu lớn nhưng điều này cũng có nghĩa chúng ta vẫn phải chịu ảnh hưởng của nghiệp, trong đó có những nghiệp bất thiện đã được tạo ra từ hằng hà sa số kiếp trước, mà chúng ta đã trả hoặc chưa trả xong. Nghiệp chính là một hành động có tác ý sẽ đưa đến những quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau.. Nghiệp có hai loại: nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Là người Phật tử chân chính, chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời nói, cho đến hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giây… Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.
Chúng ta sống cách thời đại của Đức Phật 2,600
năm nên nghiệp chướng vô cùng sâu dày. Kiếp sống của chúng ta là một biển trần
khổ đầy dẫy những bụi bặm, giả tạm, biến hoại mỏng manh, chính ta là người trôi dạt lặn
hụp trong dòng nước ấy từ bao đời bao kiếp. Và con người của hơn 2,600 năm về trước cũng
như con người hiện tại, đã mang thân phận con người, đã sống đời sống con
người, thì những căn bệnh trầm kha đè nặng trên kiếp sống con người 26 thế kỷ
về trước, cũng vẫn đè nặng lên kiếp sống con người hiện tại, nếu không phải là
tinh vi hơn, phức tạp hơn và do vậy đau đớn hơn, tê tái hơn.
Biển trần khổ lâu đời trôi giạt
Hôm nay trông thấy Đạo huy hoàng
Con hướng về theo ánh từ quang
Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước.
Quang
chính là ánh sáng chiếu soi. Con đường ấy rực rỡ vì có được ánh sáng của Đức
Phật. Ánh sáng từ bi của chư Phật cũng như của các bậc Thánh. Trí tuệ, ánh sáng
của Đức Phật có thể chiếu soi khắp chốn, chiếu thấu tam thiên đại thiên Thế
giới. Không một loài chúng sinh nào mà Ngài không thấy, không một loài nào mà
Ngài bỏ mặt. Ngài thương yêu với một tình thương hơn cả tình mẫu tử. Ngài là bậc đại từ, đại bi thương
hết thảy chúng sinh, không phân biệt màu da hay chủng tộc. Ngài xót
thương nhân loại bằng sự bình đẳng tuyệt đối. Từ
những loài vô tình như cây cỏ, hoa lá, dòng sông, mảnh đất,... đến những loài
hữu tình như các loài vi trùng từ thô sơ đến vi tế, chim muông thú rừng,... đều
nằm trong sự bảo bọc yêu thương của Đức Phật.
Bao tội khổ trong đời ác trược
Vì tham, sân, si, mạn gây nên
Hôm nay đây khẩn thiết thệ nguyền
Xin sám hối để lòng thanh thoát
Ngay
chính bản thân con người từ khi sinh ra đã mang trên thân sự nhơ nhớp: “Bao tội
khổ trong đời ác trược”.
Chữ “trược” nghĩa là dơ bẩn, nhưng
tính chất “dơ bẩn” ở đây không phải chỉ cho sự dơ bẩn vật chất như thân thể đầy
cáu ghét, quần áo dính đầy bùn đất, bàn ghế đầy bụi bặm v.v…, mà chỉ cho đời
sống đau khổ, tính tình xấu ác, không trong sạch của tất cả chúng sinh phàm
phu. “Đời xấu ác năm trược” là chỉ cho thế giới Ta bà đầy đau khổ. “Năm Trược”
là năm thứ dơ bẩn, đó là:
kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược.
“Vì tham, sân, si, mạn gây nên”. Cái tham, sân, si luôn đeo bám con người qua nhiều đời nhiều kiếp không dứt trừ được, vì thế là người con Phật hãy biết phát lồ sám hối để bày tỏ những ăn năn, hối lỗi mà nguyện từ đây về sau không được tái phạm những lỗi lầm ấy. Do chúng ta đã phát khởi những tâm bất thiện quá nhiều, nhất là sáu tâm cực độc, bao gồm tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Sám hối về tham để biết rằng chúng ta đã tham quá nhiều về tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, thức ăn, ngủ nghỉ, nên thực tập buông bỏ và cho đi. Sám hối về sân, biết rằng chúng ta đã nóng giận, gây thù hận với bản thân và những người khác, nên thực tập buông xả, chấp nhận, tha thứ và bao dung. Sám hối về si, biết rằng chúng ta đã mê lầm, không nhận rõ đâu là sự thật và đâu là sự giả dối, nên thực tập thiền quán, phát triển trí tuệ. Sám hối về mạn, biết rằng chúng ta đã tự cao tự đại, sập bẫy tăng thượng mạn, nên thực tập khiêm nhường, hạ mình xuống, học hỏi những điều hay lẽ phải từ người khác. Sám hối về nghi, biết rằng chúng ta nghi ngờ đủ thứ, trong đó có nghi ngờ về Tam bảo, về con đường giải thoát, nên thực tập chánh tín, đời đời kiếp kiếp tin sâu nhân quả, phát triển niềm tin bằng sự hành trì chân chính. Sám hối về kiến, biết rằng chúng ta thường rơi vào những ý niệm, gây tranh cãi và xa rời sự thật, nên thực tập phát khởi chánh kiến, tái lập hòa bình từ trong tâm. Sám hối chân thật là biết thừa nhận lỗi lầm đã phạm và không để cho những điều kiện góp phần cho việc phạm giới xảy ra. Có câu, Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Chúng ta chấm dứt tạo nhân bất thiện là cách sám hối hữu hiệu nhất. Cũng có câu, Tác ý là nghiệp. Chúng ta thực tập không phát khởi hay không tác ý những điều bất thiện, nhằm chấm dứt tạo nhân bất thiện ngay từ trong tâm. Chánh niệm về tâm là cách nhận biết tác ý phát khởi, tác ý đang diễn ra và tác ý không còn nữa.
Pháp sám
hối giúp ta trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn trong mỗi ngày, trong cách ăn
nói, đứng đi. Nhờ giáo pháp của Đức Phật truyền thừa mà các giá trị đạo đức
nhân văn của con người được nâng lên.
Sự tu
học của chúng ta tóm gọn lại đơn giản là nhận chân lại được bản lai diện mục
của chính mình đã bị đánh mất trong sự vô minh hắc ám, và hoàn thành cuộc sống
ngay trong kiếp hiện tại này. Thật ra, trong tâm thức người nào cũng có hạt
giống an lạc giải thoát, nếu mỗi ngày biết chăm sóc tưới tẩm thì hạt giống ấy
sẽ mỗi ngày mỗi phát triển, đến một ngày nào đó hạt giống sẽ biến thành cây và
hình thành quả ngọt là điều hiển nhiên. Cũng vậy là người con Phật khi làm việc
gì phải có sự quay trở lại, đều tỉnh thức tự tâm của mình nắm lấy hơi thở
để tiếp xúc với chính mình ngay trong hiện tại, tiếp xúc với những gì đang xảy
ra trong con người và vạn vật xung quanh, hiểu mình, hiểu người, dung hòa tốt
đẹp trong đời sống hàng ngày.
Thời pháp
kết thúc trong niềm hoan hỷ của đại chúng.
Tin: Ngọc Ánh, Ảnh:T. Lưu
Hình ảnh ghi nhận được:
Tin Tức Liên Quan
- Tu viện Khánh An trang nghiêm tổ chức lễ Phật đản PL. 2564 - 2020 ( 7/05/2020 9:42)
- Tu viện Khánh An Khai kinh Phật đản PL. 2564 - 2020 ( 2/05/2020 8:50)
- Lễ cầu nguyện tuần lục thất cố Phật tử Hoa Tâm (20/04/2020 6:37)
- Lễ tưởng niệm - cầu siêu cố Phật tử Hoa Tâm - Vũ Thị Thư, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc tại Tu viện Khánh An (14/03/2020 6:38)
- Lễ Thượng Nguyên năm Canh Tý với pháp thoại “Cầu An Được An” tại Tu viện Khánh An ( 8/02/2020 11:07)
- Mùng 9 Tết Canh Tý : Phái đoàn Đạo Tràng Đại Bi – Chùa Quan Âm hành hương tại Tu viện Khánh An ( 2/02/2020 10:17)
- Các phái đoàn viếng thăm Tu Viện Khánh An và cúng dường Tam Bảo trong ba ngày Mùng 5, Mùng 6, Mùng 7 Tết Canh Tý. (31/01/2020 9:51)
- Tết cổ truyền tại Làng Mai Thái Lan (29/01/2020 9:47)
- Mùng 4 Tết Canh Tý: Các phái đoàn hành hương tại Tu viện Khánh An. (28/01/2020 9:39)
- Mùng 3 Tết Nguyên Đán tại Tu viện Khánh An (27/01/2020 4:38)