Trang nghiêm khóa lễ kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024

13/06/2024 12:27
Hòa chung niềm vui của người con Phật trên quê hương Việt Nam và khắp mọi nơi trên thế giới hướng về kỷ niệm ngày thị hiện của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, sáng ngày rằm tháng Tư năm Giáp Thìn (nhằm ngày 22/5/2024), tại Phật đường Tỉnh Thức – Tu viện Khánh An (Quận 12) đã trang nghiêm diễn ra chương trình Đại lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024, với sự vân tập tham dự của hơn 400 thiện nam tử, thiện nữ nhơn quý kính đạo Phật.

   Chương trình buổi lễ bắt đầu với thời khoá toạ thiền và tụng kinh Chuyển Pháp Luân. Tiếp đến, sau ba hồi chuông trống bát nhã, đại chúng đồng khởi thân trang nghiêm cung thỉnh thầy Viện chủ quang lâm Phật đường, chủ trì khóa lễ. Sau nghi thức tụng sám Khánh Đản, Thầy mang đến hội chúng bài Pháp thoại chủ đề "Kính mừng Đại lễ Phật đản".


   Mở đầu Pháp thoại, Thầy Viện chủ bày tỏ lòng ngưỡng vọng sự khai sáng và mở đường của Đức Bổn Sư Thích Ca, vốn là Thái tử con đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu MaYa, 29 tuổi tầm đạo, 35 tuổi thành đạo, 40 năm hoằng dương chánh pháp và sau 80 năm ngộ nhập Niết bàn. Sở dĩ tên tuổi của Ngài ngời sáng, trở thành đuốc tuệ soi đường cho nhân loại, cuộc đời gắn liền với hòa bình, an lạc và hạnh phúc vì Ngài có một trái tim từ bi vô lượng thương chúng sinh.


   Giáo pháp nhiệm mầu của Ngài lan tỏa khắp nơi trên thế giới, nhờ đó nhân loại có được một biểu tượng của hoà bình. Vì vậy, chúng ta hôm nay cần bày tỏ niềm biết ơn cao vời với bậc Thánh đã ra đời vì chúng sinh, từ bỏ nhung lụa, cung vàng điện ngọc, quyền lực, tình ái thê nhi để đi tầm đạo. Những cái mà chúng ta quý nhất, tìm kiếm cả cuộc đời để nắm giữ thì bậc đạo sư đã gác lại sau lưng và đi vào rừng sâu để tìm đạo lý. Giáo pháp do Thế tôn chứng ngộ không phải là học thuyết, không do Ngài tự nhào nặn mà là thực chứng chân lý tối hậu để đưa đường chỉ lối cho con người, cho nên dù Thế Tôn có mặt hay không có mặt trên đời thì chân lý vẫn hiển hiện, giáo pháp vẫn nhiệm màu và sáng chói trên khắp thế gian. Giáo pháp của Ngài ngời sáng nhờ những đặc tính sau đây:

   Đầu tiên, giáo pháp nhiệm mầu do đức Thế Tôn khéo thuyết giảng – trong kinh gọi là thiện xảo. Có nghĩa là vận dụng trí tuệ và phương thức để truyền tải giáo lý đi vào cuộc đời, mượn những phương tiện kết hợp cùng tố chất an lành để truyền bá. Thầy nói, mỗi ngày chúng ta giao tiếp, bày tỏ quan điểm lập trường, thể hiện tâm tư, tình cảm với nhau bằng ngôn ngữ, còn với đức Thế Tôn, ngôn ngữ và lời nói phải chân thật và truyền tải được ái ngữ, yêu thương. Thầy nhấn mạnh, chúng ta nếu học theo đức Thế Tôn thì việc nói thật thôi là chưa đủ, mà cần thiết là sự thật đó phải đem lại lợi ích, ái ngữ, đúng thời. Lời nói của đức Thế Tôn mang chất liệu của bậc Thánh, truyền tải được Thánh ý, Thượng và Thiện; những gì không có tố chất của thánh - thượng - thiện thì đều không phải là giáo pháp. Hướng về đức Phật, không gì khác hơn là noi theo và ứng dụng lời dạy của Ngài đi vào trong cuộc sống thường nhật của mình. Cuộc đời đầy những phức tạp, rối ren, trong vẻ đẹp cũng có thiên sai vạn biệt, nếu ta thực hiện một điều tốt đẹp với một tâm ác ý thì đó cũng không gọi là pháp. Thầy giảng giải, nếu đọc một bài báo hay xem một quyển sách với tâm thiện lành, thì đó chính là pháp. Ngược lại, khi tâm bất thiện thì cho dù đọc một bài kinh thì đó cũng là phi pháp bởi lẽ cơ bản bản tâm vốn đã bất thiện.

   Yếu tố thứ hai của giáo pháp đó là thiết thực hiện tại. Lời dạy của đức Thế Tôn luôn luôn ứng dụng và có kết quả ngay trong kiếp sống này, bởi lẽ pháp của đức Thế Tôn là chân lý vượt thoát, thiết thực hiện tại. Thầy nói, giáo pháp nằm ở hơi thở của mình, vì thế hãy buông bỏ tất cả những lo âu, phiền não, khổ đau, quay về với hơi thở, nhận diện rõ hơi thở đi vào – đi ra. Pháp nằm ngay trong mỗi chúng ta, phải cảm nhận giáo pháp ngay trong giây phút hiện tại. Pháp Phật rất nhiệm mầu, có khả năng chuyển hoá vi diệu, chúng ta phải nếm trải giáo pháp, phải sống với giáo pháp, ứng dụng giáo pháp sẽ có kết quả tức thời. Dù lời nói của Ngài đã trải qua suốt mấy nghìn năm nhưng chưa bao giờ lỗi thời và chưa bao giờ không ứng dụng được vì Ngài thực chứng được chân lý bất biến, vượt thoát thời gian.


   Thứ ba, hình ảnh đức Thế Tôn xuất hiện trên cõi đời với bảy bước chân ngọc mầu nhiệm, biểu hiện chân lý vượt thoát cả không gian – đông tây nam bắc và thời gian – quá khứ, hiện tại, vị lai.

   Thứ tư, Pháp của Phật là pháp đến để mà thấy, và thấy bằng tuệ. Nếu không hiểu, không thấy được pháp Phật mà chúng ta tin thì có thể là tin sai pháp; nếu tin một cách mù mờ sẽ là mê tín, tin một cách cuồng loạn là cuồng tin. Vì vậy mỗi người chúng ta cần tinh chuyên học Phật, hiểu Phật và thấy cho được pháp của Phật. 

   Thứ năm, lời dạy của đức Thế Tôn có khả năng hướng thượng, đưa con người rời sông mê, cập bờ giác. Pháp Phật là pháp hướng thượng bởi đức Thế Tôn là Vô Thượng Tôn, Vô Thượng Sĩ nên con đường mà Ngài đi là Vô Thượng Đạo, dẫn dắt chúng ta cũng là con đường Vô Thượng Đạo. Thầy nói thêm, trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, có những bóng mờ của tín ngưỡng trùm lên tuệ giác sáng ngời của đạo Phật. Vì vậy, chúng ta cần có tuệ để nhìn thấy, là những đệ tử Phật chánh tín, có niềm tin bất động vào Tam bảo và thấy được con đường mà đức Thế Tôn và chư Tổ đi là hướng thượng.

   Thứ sáu, pháp dành cho những bậc trí, – trí ở đây được hiểu là người có tuệ để thẩm thấu được lời dạy của đức Thế Tôn. Tất cả sự vật hiện tượng trên thế gian kể cả hữu tình hay vô tình luôn luôn sinh diệt không dừng nghỉ trong từng sát na. Vô thường không phải lý thuyết suông mà phải chiêm nghiệm và thực tập. Cần thấy được pháp duyên sinh, tất cả do nhân duyên tạo thành để hình thành nên một sự vật hiện tượng. Cuộc đời đi theo quy luật khách quan, trôi chảy một cách bình dị, êm ả, không chiều theo ai, vì vậy chúng ta cần tùy thuận pháp để sống với pháp.

   Cuối lời, Thầy nhắn gửi hội chúng, nam mô là quy mạng, kính lễ; Phật là bậc Tỉnh Thức; Bổn Sư là vị Thầy gốc. “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” – hướng về kính lễ bậc Thầy Bổn Sư, đấng Tỉnh Thức có tên là Thích Ca Mâu Ni. Mỗi người đệ tử Phật hãy quay về với vị Thầy gốc mà sống với nếp sống tỉnh thức, thực hành theo lời dạy của Ngài, cảm thụ giáo pháp, sống như giáo pháp và thực chứng được giáo pháp. Có như vậy ta mới có được hạnh phúc, bình an và giải thoát, xứng đáng là đứa con đích thực của đức Thế Tôn, cúng dường Ngài lễ phẩm liêng thiêng và cao cả qua việc thực tập và sống theo lời dạy diệu dụng thâm sâu của Ngài.

   Sau thời Pháp thoại, nghi thức tắm Phật được cử hành. Đại chúng đồng lắng lòng thanh tịnh, cung kính chắp đôi bàn tay thành đóa liên hoa, ngay ngắn, trang nghiêm trước đài sen ngự tọa của đức Đại hùng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, quán chiếu tâm Phật tánh của mình và múc từng gáo nước thơm rưới lên kim tướng của Đức Phật sơ sinh. Nguyện tắm Đức Phật trong mỗi người được sạch sẽ, gột rửa mọi nghiệp chướng, phiền não, khổ đau, trả lại tâm ngọc uyên nguyên tỉnh thức thuở ban đầu.


   Vào lúc 11 giờ, chương trình Đại lễ Phật đản PL.2568 – DL.2024 khép lại viên mãn.

Khánh Ngân


Một số hình ảnh khác trong buổi lễ:


Tin Tức Liên Quan