Buổi Pháp thoại
bắt đầu với âm thanh đồng vọng đầy linh thiêng từ tiếng niệm danh hiệu Đức Từ
Phụ Thích Ca Mâu Ni trang nghiêm từ phía đạo tràng chùa Đức Hòa. Tiếp đến, Đại
đức bổn tự có đôi lời cảm niệm về công hạnh của Thầy Viện chủ khi Thầy nhập thất
vào dịp Tết Nguyên đán đầu năm.
Mở đầu Pháp
thoại, mượn hình ảnh bông hoa, Thầy nói, hoa tuy đẹp nhưng rồi sẽ héo, còn lực
bên trong chúng ta nếu biết vun bồi và sống với nó thì chúng ta sẽ được tươi
mát và trẻ trung hơn mỗi ngày. Bao quát lên, nếu mỗi người là một cánh hoa thì
sẽ góp phần làm cho vườn hoa xã hội trở nên tươi tốt, đẹp đẽ và ngát hương bằng
giáo pháp của Đức Phật. Mỗi người ở mỗi hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng tất
cả cùng hướng tâm về Đức Phật, giáo pháp và chúng Tăng để củng cố niềm tin, sống
cuộc đời bằng giáo pháp của đức Thế Tôn, cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của việc ứng
dụng giáo pháp vào đời sống. Dù ở các lĩnh vực khác nhau, ai ai cũng có thể học
giáo pháp của đức Thế Tôn, chính giáo pháp của Ngài đã giúp cuộc sống của chúng
ta được trở nên tốt đẹp hơn. Khi một cơn mưa rơi xuống, tùy những loại cây cao,
thấp, nhỏ, lớn, thân gỗ hay thân leo,... vẫn cứ theo đó mà thấm nhuần, lớn dần
và trưởng thành. Nhờ học Phật, ta nhận thấy được giáo pháp của Thế Tôn giúp cho
chúng ta, cho mọi người và môi trường xung quanh được thiện lành; giáo pháp của
đức Phật làm cho chúng ta được tốt đẹp hơn, trái tim yêu thương được rộng mở và
trí tuệ sáng ngời hơn.
Thầy nhắn gửi,
muốn thương người thì phải thương mình trước, đặc biệt phải chú trọng chăm sóc
thân và tâm. Ai ai cũng mong muốn bản thân mình tốt đẹp, vinh quang hơn, tuy
nhiên không vì thế mà nảy sinh sự so sánh, ta không thể đem bất kỳ cá nhân nào
so sánh với cá nhân nào, mỗi người là một bản chính duy nhất trên đời, không ai
ban tặng hạnh phúc cho chúng ta mà hạnh phúc do chính ta cảm thụ và tự ta nuôi
dưỡng. Không ai khác, ta là người đặt để quy chuẩn cho chính ta, vậy nên đừng
đem những quy chuẩn bên ngoài ra áp đặt vào mình rồi không hài lòng với chính
mình. Những cái tô điểm bên ngoài không che đậy được bẳn tâm của ta, chỉ có tâm
hồn mới làm cho chúng ta và mọi người xung quanh tươi mới, đẹp đẽ hơn. Hoa sen
sống từ bùn, lấy bùn nuôi dưỡng tạo thành hoa, cũng vậy, những phiền não, trắc
trở, khổ đau, nghiệp chướng… mình phải biết chuyển hoá để trở nên trẻ trung,
tươi tắn hơn. Mình mới là người trang điểm cho chính mình đẹp nhất, nếu không
biết trang điểm cho mình phẩm chất, giới hạnh, đức cao vọng trọng thì chúng ta
là người những khổ nhất. Một người luôn ủ dột, đau buồn, ta thấy rằng tâm hồn của
họ đang khô héo. Tâm khô sẽ làm cho thân khô, tâm bệnh làm cho thân bệnh. Thân
khoẻ nhưng tâm bệnh thì thân cũng sẽ bị kéo theo và ngược lại, tâm quyết định
thân. Giáo lý mầu nhiệm của Đức Phật làm rộng mở trái tim ta, chỉ cần tu tập để
có được phẩm chất và nhân cách, như vậy là tốt lắm rồi.
Thầy sách tấn
đại chúng cần bồi công – lập đức, mỗi người cần có cho mình phẩm chất, giá trị
đạo đức qua việc “tu nhơn – tích đức”. “Tu nhơn” – là tu sửa, hoàn thiện nhân
cách của mình, giữ tròn nét đạo trong tất cả các mối quan hệ. Nhân phẩm của một
người không nằm ở địa vị, mà chính thái độ sống nói lên phẩm chất và đạo đức
nói lên giá trị. “Tích đức” – “tích” là tích luỹ, gom góp. Mỗi ngày, mỗi cá
nhân hãy chiêm nghiệm xem mình đã tích cóp những gì, chỉ nên tích những điều
thiện lành, đó chính là tu nhơn tích đức.
Thầy dẫn chứng
câu thành ngữ hàm chứa nội dung tinh tuý mà ông bà ta đã đúc kết: “Có đức mặc sức
mà ăn”. Trong vòng xoáy của cuộc đời, những việc ta làm là tốt hay xấu, ta có
thể che đậy mọi người xung quanh nhưng không che giấu được mình. Hãy nhìn vào
việc mình làm, nghe lời mình nói và đọc lại tư duy mình suy nghĩ, vì chỉ mình mới
có thể thấy được hành động của mình bên trong và ngoài là một hay hai, chỉ có
mình mới nghe được tiếng nói của mình là thật tâm hay không; hãy nhìn vào mình
để thấy, biết, hiểu và ngộ được ra con người thật của mình. Nếu ta là người giả
dối, những điều giả dối sẽ đến với ta. Nếu như ta là người sống thật nhưng đôi
khi vẫn gặp phải những điều giả dối thì nên hiểu là có lẽ mình đã từng tạo giả
dối, bất thiện nên bây giờ đón nhận hậu quả đó và mỉm cười, chấp nhận. Cuộc đời
không thiếu những người ăn hiền ở lành, nhưng vẫn có những người ăn hiền không
gặp lành.
Tựu trung ta
thấy được, hạnh phúc hay khổ đau không do sự tác động bên ngoài mà do thái độ của
mình nhìn nhận và đánh giá về vấn đề mà cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau. Thầy nhắn
gửi, thứ nhất, hãy sống với nhau bằng tình yêu thương; thứ hai, cần thấy được bản
chất vô ngã nơi mỗi con người, đừng để “dĩ oán báo oán”, hãy để “dĩ đức báo
oán”, lấy đức báo lại sự hận thù, trách móc. “Đức” chính là điều thánh thiện mà
ta tích luỹ nơi tâm của mình, được biểu hiện bằng lời nói, hành động, suy nghĩ.
Ta tích luỹ như thế nào thì đó chính là vốn ta mang theo, Thầy nhấn mạnh, hãy
làm sao để chữ đức sáng ngời trong trái tim ta.
Khi một người
sống có ĐỨC, mặc nhiên rồi sẽ HOÀ. Sống trên đời, người sống trọn chữ hoà sẽ có
thể đủ khả năng xây dựng gia đình hạnh phúc, đủ khả năng làm tốt đẹp và an hoà
cho môi trường họ sinh sống. Thầy đề cập đến 6 phép hòa trong nhà Phật:
(1) Thân cùng
chung sống: Chữ hoà rất cần cho mỗi gia đình, mỗi ngôi chùa, mỗi trú xứ đông
người. Không ai một mình có thể sống mà phải nương nhờ vào người khác. Vậy nên,
ta phải xứng đáng làm sao trở thành chỗ cho người khác nương mình, mình thọ ơn
người khác đã làm cho mình thì cũng phải là điểm tựa cho người khác nương.
(2) Miệng
không tranh cãi: Cố gắng nói lời ái ngữ – những lời thương yêu hàm chứa chất liệu
của từ bi, tránh lời ỷ ngữ (lời thêu dệt, phóng đại, sai sự thật), tránh lời ác
ngữ. Theo đó, lời yêu thương là những lời đảm bảo được các tố chất: thật, có lợi
ích, lời nói nhu hoà, đúng thời; Thầy nhắn nhủ đại chúng đừng mở lời nói những
điều vô bổ, không mang lại lợi ích vì điều này sẽ dẫn thành thói quen và dần tạo
thành tính cách, từ tính cách đó sẽ tạo nên nghiệp của mình. Nói ít nhưng nói
có ích, mỗi lời mở ra cần có giá trị. Lời nói là thước đo phẩm chất, giá trị của
mỗi con người. “Khẩu hoà vô tránh”, đừng luận tranh, đừng khởi tranh.
(3) Ý hòa đồng
duyệt: Nêu ra cho tất cả cùng lắng nghe, cùng thảo luận đưa ra kết quả.
(4) Giới hoà
đồng tu: Lãnh thọ giới pháp để mình tu, ai cũng có khả năng thọ nhận giới pháp,
ai cũng đều có khả năng tu, khi tu ta phải giúp cho người khác tu, như vậy mới
là tu có kết quả. Vận dụng giáo pháp, chuyển hoá cho chính mình và làm bài học
cho người xung quanh. Khi những buồn vui, sướng khổ, bế tắc hay biến cố chạm đến
thì bồ đề tâm mở ra. Giới hoà đồng tu là giữ nghiêm túc lời dạy của đức Phật và
ứng dụng ngay cho mình để mỗi ngày mỗi tươi mới thêm, tự hào và xứng đáng là đệ
tử của đức Phật.
(5) Kiến hòa
đồng giải: “Kiến” là ý kiến, quan điểm, khi có một lập trường, quan điểm thì cần
cùng nhau giãi bày, chia sẻ, lắng nghe mình và lắng nghe mọi người, đừng cho
mình là trung tâm của vũ trụ.
(6) Lợi hoà đồng
quân: Nói đến yếu tố vật chất, khi có lợi cùng nhau chia sẻ.
Một người nếu
có đủ ĐỨC và HOÀ, người đó có nhân cách lớn, là quân tử, chính là bậc trượng
phu, là những vị xứng đáng để mọi người ngưỡng mộ. “Đức” là cái từ bên trong, từ
đó toả ra ngoài để sống cùng chữ “hoà”. Người xưa có câu: “Trượng phu tiến đức
tu nghiệp” – đấng trượng phu quân tử lấy chữ Đức làm sự nghiệp cho mình. Một
người thiếu đức giống như cây không lõi.
Chăm cây đúng là chăm từ gốc, lấy gốc nuôi rễ, thân, cành lá; nếu gốc
cây khô mà chỉ biết tưới ở ngọn thì không có kết quả. Cũng vậy, hãy nuôi dưỡng
từ sâu bên trong tâm hồn của mình, đó là nền tảng khơi nguồn và hình thành nên
phẩm chất, đạo đức.
Tất cả những
gì ta làm sẽ trở lại với chính ta, là hoa trái của những hạt giống mà ta gieo
vào mảnh đất tâm của mình. Khi có đức, cái đức biểu hiện ra chữ hoà. Chữ hoà
tuy trông đơn giản nhưng muốn được hòa lại khó, muốn hoà cần phải hoan hỷ chấp
nhận, tha thứ, bao dung, đồng lòng với nhau. Ai ai cũng có trách nhiệm với cuộc
đời này, vậy nên phải biết làm chủ và kiểm soát được mình, đừng để cái tôi, cái
ngã lớn quá mà gây bất hoà, chia cắt.
Cuối lời, Thầy
có đôi lời nhắn nhủ hội chúng tại đạo tràng, mỗi ngày hãy lặng nhìn vào bảng
tên chùa Đức Hòa, gắng mà bồi ĐỨC – dưỡng HOÀ. “Đức” và “Hoà” đã có sẵn trong
ta, chỉ cần hàm dưỡng và vun bồi cho vững chãi thêm, đừng để đức bị khiếm khuyết.
Hãy tự đánh giá lại mình, góp phần xây dựng gia đình và cuộc sống tốt đẹp hơn,
sống phải thuận, phải hoà và có đức, luôn in sâu vào tâm khảm: “Có đức mặc sức
mà ăn”.
Vào lúc
20h30, bài pháp thoại đêm sám hối khép lại đầy viên mãn. Sau đó, hội chúng tại
đạo tràng được Thầy từ bi sách tấn, giải đáp những thắc mắc, ưu tư trong quá
trình học Phật tu nhân của mình. Đại chúng đồng hoan hỷ bởi sự yêm thức từ thầy,
qua buổi lễ đã có cho mình một nhãn quan mới nhìn nhận cuộc đời bằng lăng kính
minh triết của đạo Phật và có cách tiếp nhận, ứng xử khác khiến cho đời sống trở
nên dễ chịu và tốt đẹp hơn.
Khánh Ngân
Một số hình ảnh ghi nhận khác:
Tin Tức Liên Quan
- Đạo tràng chùa Bửu Hưng tỉnh Kiên Giang thăm tu viện Khánh An (24/04/2024 10:44)
- Ngành nữ GĐPT liên quận 12 - Hóc Môn khai mạc trại hạnh “Liên Hoa” tại tu viện Khánh An (25/03/2024 11:20)
- Lạt Ma Tulku Neten Rinpoche thăm Tu viện Khánh An (10/12/2023 7:04)
- Tăng ni sinh Khóa XVII Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM tri ân Giáo thọ sư (30/09/2023 4:39)
- Gia đình Phật tử Đức Liên tổ chức hội Hiếu “Một ngày an vui” tại Tu viện Khánh An (12/09/2023 8:47)
- Hoà thượng Ngộ Kiết và Hội từ thiện Phật giáo Đại Phương Quảng - Đài Loan thăm tu viện Khánh An. (24/02/2023 8:46)
- Hiệp hội Phật giáo Phước Trí - Đài Loan thăm tu viện Khánh An (19/02/2023 2:13)
- Cam Lộ Giác Đạo - Giọt sương ngọt ấy sáng bừng đạo tâm (12/09/2022 8:48)
- Triều cường, sóng lớn dần "nuốt chửng" đê biển Tây ở Cà Mau (10/08/2022 9:59)
- Thầy chúng con đã nhập thất (25/01/2022 7:11)