Tín - Hạnh - Nguyện Trong Thiền Tập

27/06/2018 5:27
Thiền tập thì có đa dạng, đa thức của nhiều tôn giáo và tư tưởng khác nhau, từ đó mà mục đích hành thiền cũng có sự khác nhau (khác nhau do nhận thức có sự sai biệt). Riêng trong đạo Phật, thiền tập không có gì ngoài mục đích vượt thoát tam giới. Vậy làm thế nào để hành thiền đưa đến sự giác ngộ? không gì khác hơn là thực hành Đạo đế, một trong Bốn Chân Lý Mầu Nhiệm trên cơ sở Giới – Định – Tuệ và thành tựu Tín – Hạnh – Nguyện. Ở đây, người viết xin đề cập đến Tín – Hạnh – Nguyện trong thiền tập, được xem là ba yếu tố quan trọng bên cạnh Giới – Định Tuệ để thành tựu phạm hạnh hoặc để tái sanh theo ý muốn của hành giả.

Tín: Theo Pāli, Tín là niềm tin thiết lập vững chắc đặt nơi Tam Bảo. Đặc tính của Tín là thanh lọc, làm cho trong sạch, tinh khiết các tâm sở đồng phát sanh với nó. Tín được đánh giá rất quan trọng trong giáo pháp Đức Phật.

Bộ Pháp Tụ đề cập như sau về tín: “Tín quyền trong khi có ra sao? Khi nào có đức tin, thái độ tín ngưỡng, sự quyết tin, sự rất tín trọng, tín lực, tín quyền, tức là đức tin có trong khi nào, thì tín quyền vẫn có trong khi ấy”.

Trong kinh Hoa nghiêm Tín được xem là nền móng của con đường, là mẹ sinh ra công đức. Trong Kinh Du hành, Đức Phật khẳng định, những ai thành tựu bốn bất hoại tín thì được xem là bước vào dòng thánh: “A-nan, nay ta sẽ nói cho ngươi về Pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh; dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu đà hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ; và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.

Này A-nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười đức hiệu đầy đủ. Hoan hỷ tin Pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết bàn; được thực hành bởi kẻ trí. Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp thân, hoặc có người đang hướng tới Tu đà hoàn và được quả Tu đà hoàn, có người đang hướng tới Tư đà hàm và được quả Tư đà hàm, có người đang hướng tới A na hàm và được quả A na hàm, có người đang hướng tới A la hán và được quả A la hán. Ấy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam muội định vậy”.

Như vậy, có thể nói rằng, đức tin là điều tối cần thiết cho hành giả đạo Phật. Riêng trong Pháp hành thiền, nếu không có đức tin  thì hành giả sẽ không thể nào thành tựu vì hành giả không thể  phát triển được năm quyền: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Năm quyền này có công năng giúp hành giả đắc các bậc thiền và thành tựu minh sát trí. Nói khác hơn, những ai muốn thành tựu thiền định và thiền tuệ, đức tin phải thật trong sáng và kiên cố.

Hạnh: chính là pháp hành cần phải thực hiện, hành giả hành pháp một cách đầy nhiệt tâm. Trong thiền tập, hành giả phải nhiệt tâm, không được để quên đề mục thiền mà mình đang thọ nhận bằng năng lực của chánh niệm.

Để hành pháp đúng như pháp hạnh của chư Phật, trong kinh Đại Kinh Pháp Hành, Trung Bộ kinh, Đức Phật dạy: “Và này các Tỷ kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, biết rõ các pháp nên phục vụ, biết rõ các pháp không nên phục vụ, biết rõ các pháp nên thân cận, biết rõ các pháp không nên thân cận. Vì biết rõ các pháp nên phục vụ, biết rõ các pháp không nên phục vụ, biết rõ các pháp nên thân cận, biết rõ các pháp không nên thân cận, vị này phục vụ các pháp nên phục vụ, không phục vụ các pháp không nên phục vụ, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Vị này vì phục vụ các pháp nên phục vụ, không phục vụ các pháp không nên phục vụ, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận, cho nên các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý bị tiêu diệt; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý được tăng trưởng. Vì sao vậy? Như vậy này các Tỷ kheo, là vì vị ấy có trí đối với pháp này”.

Như vậy, Hạnh chính là hành theo chánh pháp của Phật, dù theo bất kì pháp môn nào, hạnh cũng cần được thuần thục. Nếu không thành tựu được pháp hành (hạnh) thì không thể nào đắc được pháp hành (thánh đạo và thánh quả).

Nguyện: chính là sự mong muốn, sự hướng tâm. Nguyện cứu cánh nhất trong đạo Phật là hướng tâm đến lậu tận, giải thoát. Đạo Phật không chủ trương một cái lạc thọ trong tam giới, bằng chứng là trong kinh Hành Sanh, Trung Bộ kinh, Phật đã chỉ một sự hướng tâm cao thượng nhất là giải thoát sanh tử: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy nghĩ: "Mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!" Vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này không sinh ra một nơi nào, không sinh ra một chỗ nào.”

Cũng trong đoạn kinh trên, Phật đã chỉ rõ ba yếu tố Tín – Hạnh – Nguyện để thành tựu phạm hạnh; sau khi có Tín phải huân tập Hạnh là giới, văn, thí, tuệ, cuối cùng là Nguyện “mong rằng,… giải thoát vô lậu”.

Trong pháp hành thiền, nếu hành giả không có được ba yếu tố Tín – Hạnh – Nguyện này thì thiền tập chỉ mang lại chút an lạc hiện tại tạm bợ như là một thứ cảm thọ bị vô thường chi phối. Mặt khác, nếu có đủ ba yếu tố này trong thiền tập thì có công năng: Tín giúp hành giả thiết lập sự kiên định với đề mục (thiền), Hạnh giúp hành giả thành tựu pháp hành (thiền) và Nguyện giúp hành giả hướng tâm đến thành tựu thánh đạo – quả (pháp thành) vì nguyện (sự hướng tâm dựa trên tín và hạnh) chính là yếu tố dẫn đến pháp cao thượng, dẫn đến phạm hạnh cứu cánh sau cùng.

Trung Nhân

Tin Tức Liên Quan