Pháp thoại: “Căn nguyên của mọi ô nhiễm” tại chùa Liên Hoa, Minnesota, USA.

24/09/2019 11:33
Vào ngày 22/9/2019, trong điểm đến cuối cùng của chuyến hoằng pháp ở Hoa Kỳ năm 2019, tại Chùa Liên Hoa (Minnesota), Thầy Trí Chơn đã có buổi nói chuyện với đại chúng nơi đây trong bài pháp thoại mang tên: “Căn nguyên của mọi ô nhiễm”.

Minnesota là một tiểu bang trầm lặng, hiền hòa ở phía bắc Hoa Kỳ được mệnh danh là “Thành phố của vạn hồ” bởi có rất nhiều hồ lớn nhỏ, hơn cả 10,000 hồ đang tồn tại nơi đây. Vùng đất xinh đẹp này được thiên nhiên ưu đãi nên cây cối xanh tươi, hoa lá nở rộ đủ đầy quanh năm. Thầy nói rằng được sống trong một môi trường tốt đẹp như thế cũng là nhờ phước đức từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Trong Kinh Phước Đức, Đức Phật dạy rằng:

“Sống trong môi trường tốt 

Được tạo tác nhân lành

Được đi trên đường chánh

Là phước đức lớn nhất”



Đây cũng chính là sự căn dặn, gửi gắm của Đức Phật, Người dạy: khi sống, chúng ta nên chọn một môi trường tốt cho chính mình và cho các con cháu. Sống trong một môi trường lành mạnh, có tình thương thì đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành một người hữu ích cho xã hội, còn nếu sống trong môi trường chứa đầy những bạo động, thèm khát thì lớn lên chúng sẽ hư hỏng. Không chỉ chọn một môi trường tốt mà chúng ta còn phải cùng nhau ý thức tạo ra nhiều môi trường tốt để người khác cũng được nương nhờ. Hiện nay, có những nơi cuộc sống chật vật khó khăn, người dân phải đi gánh nước tận hàng cây số, đất không trồng nổi cây cối, môi trường ô nhiễm từ đất, nước, không khí, âm thanh đến cả ánh sáng và không gian sống. 



Có một sự ô nhiễm nghiêm trọng khác là ô nhiễm truyền thông.

Trong thời hiện đại, không thể phủ nhận lợi ích mà truyền thông mang lại, nhờ truyền thông đã kết nối được con người với con người, giúp chúng ta hiểu biết và mở mang kiến thức nhiều hơn. Thế nhưng, có một vấn nạn lớn là trẻ em trên thế giới ngày nay được cha mẹ cho tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá sớm dẫn đến trí tuệ của các bé bị lụn bại, tự kỷ trầm trọng. Bên cạnh những lợi ích không thể chối bàn của truyền thông còn tồn tại mặt trái nếu chúng ta lạm dụng quá nhiều. Nó như cây kéo vô hình cắt đứt sợi dây liên kết giữa con người với con người. Thay vì trở thành công cụ phục vụ đời sống của con người thì chính ta đang dần biến mình trở thành công cụ và nô lệ của những thứ hiện đại. Có vẻ như từ lâu, chiếc smartphone đã trở thành bức tường chia cắt con người với thế giới xung quanh, ngăn cản ta ngước lên và khám phá vẻ đẹp của cuộc sống đời thường. Chúng ta đã đánh mất đi những cơ hội sống quý báu mà quên rằng sự màu nhiệm của cuộc sống chỉ có mặt ngay bây giờ và ở đây trong phút giây hiện tại.

Truyền thông phát triển đi kèm theo mạng lưới internet cũng đồng loạt mở rộng, sự phát triển của các sóng di động vô tình đã đưa ra các sóng từ rất lớn làm cho con người dễ bị stress, căng thẳng, tê liệt các tế bào thần kinh, lẽ sống gần như bị vô cảm. Đây chính  là hậu quả của tư duy, trí tuệ, tư tưởng mà con người tạo ra.


Chúng ta thường có quan niệm bảo vệ môi trường là việc của chính phủ, của các nhà chức trách, liên quan gì đến bản thân mình. Nhưng thử quán chiếu lại xem, chính vì con người có mặt nên khoa học, các phương tiện vật chất mới ra đời. Hơn ai hết, ngay từ bây giờ, tự bản thân mỗi người hãy ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất. Sống chậm lại, ít muốn, biết đủ, chia sẻ cái mình đang có cho những người khó khăn. Đó là ta đang gieo tâm thiện lành đến mọi người, muôn loài.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động bảo vệ trái đất, bảo vệ động vật và môi sinh cho rằng một trong những thủ phạm chính gây nên sự biến đổi khí hậu là do ngành nông nghiệp chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm liên quan đến động vật. Nhiều đề xuất về quản lý ngành chăn nuôi và sản xuất gia cầm được đưa ra cho chính phủ nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong các đề xuất ấy ăn chay là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ địa cầu.Ăn chay không chỉ vì sức khỏe của ta, gia đình ta mà còn cho hệ sinh thái, cho nguồn nước ta đang dùng, cho bầu không khí ta đang thở, cho mẹ Trái Đất thân yêu của chúng ta.

Hãy đem tâm thiện lành của mình để dâng hiến cho cuộc đời, giữ tâm thanh tịnh, trong vắt, vắng lặng để có được lời nói thanh tịnh, việc làm thanh tịnh nhờ vậy mà môi trường được an lành. Sống biết tiết kiệm, ít muốn, biết đủ, sống trong chừng mực. Hãy hiểu rõ rằng hoàn cảnh là ta, ta là hoàn cảnh, đem tư tưởng tốt đẹp để thổi vào trong cuộc sống để có được môi trường tốt. Người học Phật cần có tâm thiện lành nhờ đó góp phần giúp cho môi trường được tốt đẹp hơn, thấy được Tam bảo ở tự tánh và khắp mọi nơi.

Đầu giờ chiều , thầy hướng dẫn đại chúng tọa thiền sai đó là giờ thăm vấn - trả lời thắc mắc của Phật tử.

Ngọc Ánh

 


Tin Tức Liên Quan