Pháp thoại: "Quê hương đích thực ta tìm về" trong khóa tu sống tỉnh thức lần thứ 46.

3/03/2020 8:44
Sáng chủ nhật 01/03/2020 (08/02/Canh Tý), khoá tu Sống Tỉnh thức lần thứ 46 - cũng là khóa tu đầu năm canh tý đã được diễn ra tại Tu viện Khánh An.

Mặc dù tu viện đã thông báo ngưng khoá tu vì phòng ngừa dịch bệnh Corona, hành giả vẫn về khá đông. Do đó, tu viện chỉ tổ chức khóa tu từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa với các thời khóa ngồi thiền, sám hối và nghe pháp thoại.


Lấy cảm hứng từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của thi sĩ Thôi Hiệu nhà Đường sáng tác tại Vũ Hán - Hồ Bắc - Trung Quốc, thầy viện chủ đã có bài pháp thoại mang tên: “Quê  hương đích thực ta tìm về”. 

 

Với hai câu cuối của bài thơ:

"Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu."

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn,Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) 

 


Thầy nói ai trong chúng ta cũng có đôi lần trống trải nhớ về quê hương, nhớ những buổi chiều tà với hoàng hôn bình yên thong thả. Quê hương là những gì gắn liền với tuổi ấu thơ, là lời ầu ơ ru của mẹ, là giọt mồ hôi mặn đắng của cha. Dù ta có đi tận chân trời góc bể thì quê hương vẫn thế, vẫn luôn có đó cho ta. 


Tuy vậy, có phải rằng xa quê là ta không có cơ hội tiếp xúc được với quê hương và những người thương của mình? Nhớ ngày còn trong bụng mẹ, ta chỉ là một cục thịt đỏ. Mẹ nuôi lớn ta thông qua nhau thai, nhờ nhau thai mà ta kết nối được với mẹ, rồi mỗi ngày ta lớn lên trong mẹ cho đến lúc chào đời. Lúc chào đời, cái nhau giữa mình và mẹ bị cắt đi, nhưng có phải vì thế mà mình và mẹ không còn gì để liên kết nữa chăng? Tuy cái nhau kia bị cắt đi nhưng nó vẫn còn để lại một dấu ấn vi diệu trên người mình đó chính là "cái rốn". Cái rốn là nơi chứa đựng cả quê hương mà không bao giờ có một khoảng cách địa lý với bất kỳ ai. Thông qua cái rốn, ta có thể tiếp xúc được với quê hương của mình. Những khi cô đơn trống vắng, hãy đặt nhẹ hai bàn tay lên rốn và thực tập quán chiếu để có thể tiếp xúc được với cha mẹ, qua cha mẹ mình cũng tiếp xúc được với ông bà nội, ngoại và cả tổ tiên. Cái rốn là biểu hiện cho cả một quê hương huyết thống đang có mặt trong mình. 

 


Chúng ta, những người con Phật còn có một quê hương nữa đó là quê hương tâm linh. Vậy quê hương tâm linh nằm ở đâu? Có phải rằng nơi trú ngụ an toàn của tâm đó chính là hơi thở. Ta mượn hơi thở làm đối tượng giúp lắng dịu thân tâm, đưa thân tâm trở về một mối. Thân được ví như ngôi nhà và tâm là người chủ, vậy thân tâm đồng thời có mặt nghĩa là ta đã đích thực trở về nhà. Khi thở vào, thở ra có phải rằng bụng mình phồng lên, xẹp xuống và hơi thở ấy được tích tụ ở đan điền. Vậy một lần nữa, đan điền (ruộng thuốc - phần dưới rốn) chính là biểu hiện hùng hồn của một quê hương tâm linh, nơi trú ngụ của các bậc thánh. Để tiếp xúc được với tổ tiên tâm linh ta hãy thực tập trở về hơi thở. Chư Phật và chư Tổ sẽ luôn biểu hiện trong sự thực tập vững chãi của chúng ta. 

 

Như vậy để thấy được ngay trong tấm thân này đã là quê hương đích thực cho cả quê hương huyết thống và quê hương tâm linh.

 

Cuối thời pháp, thầy dành vài phút để trả lời những thắc mắc của quý hành giả.

 

Trả lời câu hỏi của một hành giả, thầy nói: Tất cả những gì ta tạo ra hôm nay, mai sau ta đều gánh chịu nghiệp quả của mình. Hãy nhiếp hộ sáu căn, không để cho sáu trần chi phối nhằm đối trị những tham ái, dính mắc, ưu tư trên đời, khi đối diện với các pháp dù tốt hay xấu, dù khả ái hay không khả ái, ta vẫn đón chờ nó một cách thanh thản, tỉnh táo, có chánh niệm. Đấy chính là sự thực hành chân thật nhất lời dạy của Đức Phật.


Thầy cũng đưa ra một minh chứng sống về tấm gương tu tập tinh chuyên. Đó chính là vua Trần Thái Tông, trong tác phẩm Khoá Hư lục, Ngài có viết:

 

Tị trước chư hương thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lí trình.

 

Hằng ngày, mũi chúng ta đắm theo các mùi hương, lưỡi tham lấy nơi vị, mắt bị mờ với các sắc, tai thì mê bởi những tiếng, tức là sáu căn chạy đuổi theo sáu trần, bị nó lôi đi mãi, quên mất cả đường về. Ta vui với những cái vui tạm bợ, chợt có chợt không, nên chưa bao giờ biết được niềm vui bất diệt. Chính vì thế Đức Phật có mặt đã mở ra con đường chân chánh nhằm thức tỉnh con người trở về cội nguồn của thuở uyên nguyên, trở về với cái bản tính sơ khai, lương thiện nhất của mình mà thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải từ đời đời kiếp kiếp.



Cả hội chúng đón nhận cơn mưa pháp đầu năm từ Thầy Viện chủ với niềm hoan hỷ. Buổi pháp thoại kết thúc viên mãn.


LA - GB 


Một số hình ảnh ghi nhận được:






















Tin Tức Liên Quan