Thiền trà “Hướng về đức Phật đản sinh”

26/04/2020 10:30
Ngày Phật đản sắp về, người con Phật cần có sự hiểu biết đúng đắn, chân thật đức Phật đản sinh – bậc vĩ nhân không ai sánh bằng trong thế gian này. Để từ đó, xây dựng được niềm chánh tín nơi đức Thế Tôn.


Sáng ngày 25/04/2020, tại vườn Che Chở, thầy trò chúng con cùng ngồi bên nhau như thường lệ để thảo luận về sự kiện đức Phật đản sinh. Buổi thiền trà được điều phối bởi chú Trung Long. 

20 phút đầu tiên, đại chúng đã ôn lại giới luật và lợi ích của việc hành trì giới luật. Thầy sách tấn đại chúng: Giới luật là nền tảng của người xuất gia, là hàng rào ngăn chặn bất thiện pháp, sống với giới luật người xuất gia sẽ được nuôi dưỡng tâm thiện lành. Sống có giới luật sẽ mang lại tâm định tĩnh, từ tâm định mà phát sinh trí tuệ. Những câu kệ trong Tỳ ni nhật dụng thiết yếu giúp ta thực tập chánh niệm, gìn giữ oai nghi trong chốn thiền môn. 

Bên tách trà, đại chúng được lắng nghe sự chia sẻ của quý sư chú Trung Lưu, Trung Thắng, chú Trung Phương, Trung Tánh với các câu hỏi xoanh quanh hình ảnh đức Phật đản sinh.



 

Sư chú Trung Lưu đã chia sẻ về hình ảnh đức Phật đản sinh với ngón tay phải chỉ trời, ngón tay trái chỉ đất cùng câu nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Nói một cách đầy đủ hơn là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết chúng sanh, sanh lão bệnh tử”. Nghĩa rằng, Phật là bậc tôn quý nhất trong thế gian này, đã vượt thoát sinh tử luân hồi. “Ngã” ở đây không phải là cái tôi cá nhân mà chính là Pháp thân thường trụ, trùm khắp không gian và thời gian. Trong kinh Kim Cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Người dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.

Chú Trung Tánh nêu lên một số thắc mắc về đức Phật đản sinh bên hông phải, đi bảy bước trên đóa hoa sen,…

Thầy giải đáp: Chúng ta cần nhận định rõ về hai mặt đó là huyền sử và chính sử. Văn minh nhân loại luôn tồn tại hai yếu tố này. Lịch sử của một quốc gia cũng vậy mà lịch sử một tôn giáo cũng vậy. 

Huyền sử là những câu chuyện được nhân cách hóa, thánh hóa nhằm răn dạy, giáo dục, nêu cao giá trị nhân văn, đạo đức, triết lý sống thông qua hình tượng hóa. Đức Phật bước đi bảy bước trên đóa hoa sen, con số bảy mang nhiều ý nghĩa khác nhau như là chỉ cho ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), bốn hướng (đông, tây, nam, bắc), hoặc là thất bồ đề phần, hay trong triết học phương đông và phương tây thường rất chú trọng đến con số 7 này.

Hình tượng hoa sen là biểu trưng cho sự thanh thiết, ngay thẳng, vươn lên từ bùn nhơ, không có bùn ấy thì không có hoa sen. Hình ảnh hoa sen nhằm nhắc nhở chúng ta rằng hạnh phúc, giác ngộ mà chúng ta tìm kiếm, nó nằm ngay trong khổ đau, hãy mạnh mẽ vượt lên những sợ hãi, não phiền thì hạnh phúc, an lạc ngay trước mắt chúng ta.



Thầy nói, được sinh ra làm người là phước báo lớn, chỉ có thân người mới có thể dễ tu, tiếp cận giáo lý, thực hành đạo pháp, đưa đến giác ngộ, giải thoát.

Về ý nghĩa Lễ tắm Phật, Thầy dạy, trong kinh Thánh Cầu ghi  khi Phật đản sinh, có hai dòng nước mát lạnh tắm gội Ngài. Tắm Phật được hiểu là làm thanh tịnh Phật tâm, Phật tính ở nơi ta, nói cách khác phải gột rửa thân khẩu ý cho thanh tịnh. 

 

Kết thúc buổi thiền trà, đại chúng hoan hỷ tiếp nhận những lời dạy của Thầy. 

Trung Long.

Tin Tức Liên Quan