Pháp thoại “Phòng hộ và chuyển hóa” buổi thứ hai.

5/07/2020 3:26
Tối 4/7/2020 (nhằm ngày 14/5/ Canh Tý), trong buổi sám hối định kỳ giữa tháng, Thầy Viện chủ đã tiếp tục giảng 12 câu tiếp theo trong bài sám Phòng hộ và chuyển hóa.

Trí tuệ quang minh như nhật nguyệt

Từ bi vô lượng cứu quần sanh

Trí tuệ của Đức Phật được ví như tia nắng rực rỡ, ấm áp của Mặt trời vào buổi sáng và ánh sáng thanh lương, mát mẻ của Mặt trăng trong bầu trời đen tối. Ngài là sự xuất hiện của ánh sáng trí tuệ với cái nhìn thấu suốt về con người và cõi đời bằng con mắt lớn. Ngài đã giúp biết bao chúng sinh nhìn thấu suốt vạn vật, giúp con người tìm lại viên ngọc quý giá chôn giấu bên trong mình, để từ đó có thể thấy rõ bản thân và cuộc đời bằng cái thấy biết. Trí tuệ của Ngài là trí tuệ của lòng từ bi, của  ánh sáng quang minh trong việc đẩy lùi bóng tối vô minh, khai mở Phật tính cho mọi người. Trí của thế gian là mưu trí, là toan tính hơn thua nhưng trí tuệ của bậc đạo sư luôn rực sáng trên bầu trời. Trong hàng loạt các vì sao, Đức Thế Tôn là vì tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất. Ngài là một con người vĩ đại chưa từng có. Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại này soi sáng khắp thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại. Giáo lý của đức Phật tỏa sáng một cách công khairạng rỡ và rực rỡ như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.


Lòng từ bi của Đức Phật là lòng từ vô lượng không có ngằn mé, đã là con người thì ai cũng có tình thương, thế nhưng tình thương ấy luôn có cái rào chắn là điều kiện, từ đó ta trở nên trói buộc lẫn nhau và dẫn tới khổ đau. Đức Thích Ca Mâu Ni chính là hiện thân của lòng từ bi vô lượng vô biên. Lòng từ bi không phải chỉ có ở trong tâm của Ngài, trong tâm những kẻ tu hành, mà còn có ở trong lòng bậc đế vương, trong lòng kẻ có quyền thế và cả những người nghèo khổ, ăn xin. Cho nên, ai cũng có thể là bậc cứu khổ chúng sinh, miễn họ phát tâm từ bi. Từ bi không phải là gia bảo dành riêng cho các bậc tu hành, mà nó là của chung tất cả nhân loại. Dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào, cũng có thể thực hiện từ bi được, nếu trong lòng chứa sẵn từ bi.

Con nhất tâm nguyện sống đời lành

Đem thân mạng nương nhờ Tam Bảo

Đã là một người đệ tử Phật, phải một lòng một dạ đem cái tâm của mình nguyện sống  một đời thánh thiện như Đức Thế Tôn, nguyện đem giáo pháp và chúng tăng của Ngài làm điểm nương tựa vững chãi của bản thân, nguyện đem cả thân và tâm đến nương náu.

Cuộc đời luôn đầy sự bất toàn, bất như ý. Bởi vì, mọi sự hiện hữu là vô thường, khổ đau và hoại diệt dưới cái nhìn như thật của Phật giáo. Do vì không hiểu, không giác ngộ sự thật về vô thường, khổ, vô ngã nên chúng sinh chìm đắm trong khổ đau, sanh tử. Mô tả về kiếp nhân sinh như vậy cho chúng ta thấy rõ sự bế tắc, mịt mù, đen tối không có lối thoát của kiếp người. Trong đau khổ của kiếp sống luân hồi ấy, ta tin tưởng vào bậc đạo sư, vào giáo pháp của Ngài và tăng chúng. Hy sinh cả thân mạng và sự sống dâng hiến cho Tam Bảo, lấy Đức Thế Tôn làm ánh sáng để soi chiếu để trưởng thành.


Lên thuyền từ vượt ra biển khổ

Cầm đuốc thiêng ra khỏi rừng mê

Giáo pháp của Đức Phật như chiếc thuyền từ bi đưa chúng sanh vượt qua bể khổ tìm đến bến bờ của sự giải thoát, ngọn đuốc thiêng ấy không phải ở ngoại cảnh hay bất kì nơi đâu mà chính là tự thân trong tâm của chúng ta, cái sáng bên ngoài rồi sẽ vụt tắt theo thời gian nhưng ánh sáng trong tâm sẽ mãi mãi sáng soi. Con người sống trong cõi trần đầy ô trược nên bị tấm màn vô minh che lấp, để cho lục dục thất tình cám dỗ khiến sai. Chừng nào phá bỏ được tấm màn vô minh ấy thì ta mới vượt lên khỏi sự cám dỗ của lục dục thất tình, trở lại làm chủ chúng nó, lúc đó con người hết vô minh, tức nhiên đạt được trí tuệ, và cái trí tuệ ấy ví như chiếc thuyền Bát Nhã, đưa con người đến cõi an vui, hạnh phúc.

Văn tư tu xin quyết hành trì

Thân miệng ý noi về chánh kiến

Người học Phật đến với Ngài phải có trí tuệ. Ngày nay, hệ thống kinh điển được phổ biến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và các pháp sư giảng dạy cũng khá đông nhưng chính bản thân người Phật tử phải có trí tuệ, chánh kiến để tự lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Và chánh kiến cũng được Đức Phật đưa lên hàng đầu trong thánh đạo tám ngành bởi vì vấn đề mê tín luôn tồn tại khắp nơi trên thế giới, không chỉ thời xưa mà ngay cả thời nay, và chắc chắn là sẽ tồn tại mãi mãi, dù cho khoa học có phát triển đến đâu cũng mặc. Bởi vì bản chất của chúng sanh là vô minh. Khi nào chưa thành Phật thì con người vẫn còn tồn đọng vô minh. Còn vô minh nhiều hay ít là do chúng ta có thể giác ngộ tới đâu. Giác ngộ có thể do tu tập, và cũng có thể do học tập từ kinh điển, mượn cặp mắt tuệ giác của Phật để nhìn cuộc đời, nhìn theo chánh kiến .


Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm ta như một con rối, luôn biến chuyển, tán loạn theo ngoại cảnh. Vì thế, Đức Phật đã dạy con người những lúc như thế hãy dùng hơi thở để mà trụ tâm.  Hơi thở là cái dễ quán sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình. Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi. Mỗi phút ta lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò, lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái, ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Nhờ đó mà quan sát được cái tâm ta. Rõ ràng hơi thở là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Nói khác đi, ta có thể dùng quán sát hơi thở để kiểm soát cảm xúc và hành vi của ta.

Đức Phật Thích Ca là người tiếp nối ngọn đèn chánh pháp từ truyền thống mười phương chư Phật ba đời. Ngài xuất hiện trong thế giới ngũ trược ác thế này để dẫn dắt chúng sinh đi ra khỏi khổ đau. Do đó, học tập theo lời dạy cuả Đức Phật, ta phải định hướng được con đường của bản thân mình bằng chánh tri kiến, ta phải thấy được vạn pháp trên thế gian đều do duyên sinh, thấy được khổ, căn nguyên của khổ đau, phương pháp diệt khổ và con đường đưa tới sự diệt khổ. Đó cũng chính là con đường hiệp thế, giúp chúng sinh gieo trồng gốc rễ thiện lành để kiến tạo hạnh phúc, hòa bình và an ninh trong cuộc sống thế tục.

Con người thường hay dùng cái định kiến của bản thân để cho rằng đúng – sai, phải – trái mà quên rằng chính ta đang sống trong một thế giới mộng tưởng điên đảo, thế cho nên Đức Phật dạy, phải nhìn cuộc đời bằng một ánh mắt tinh khôi, thấy biết như thật, cái thấy biết này phải qua quá trình tập luyện mới có được giá trị đích thực.


Trái ngược với chánh kiến là tà kiến. Trong Kinh Tất cả lậu hoặc, Đức Phật có nói đến sáu loại kiến: tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến triền phược. Sáu loại kiến này phải dùng đúng pháp đối trị thì lậu hoặc đó mới được đoạn diệt. Khi đã đoạn tận rồi thì sẽ vượt thoát khổ đau, tự mình vươn lên tìm lại ánh sáng “đại quang, đại minh.”

Phật là con người đã hoàn toàn tự tại, giải thoát nhờ phước huệ song tu với tinh thần vô ngã vị tha. Pháp là những lời dạy chân chính của Phật qua sự trải nghiệm trong tu chứng nên thấy rõ chúng sinh sống chết luân hồi đều do mình tạo lấy. Tăng là những người truyền thừa thay Phật hoằng dương chính pháp, sống trong tinh thần lục hòa, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần chia vui sớt khổ, phục vụ vì lợi ích chúng sinh.Vì thế là người con Phật hãy luôn nhớ nghĩ và quay về nương tựa nơi Tam Bảo, duy chỉ có Tam bảo Phật - Pháp - Tăng mới giúp chúng ta vượt qua biển khổ sông mê, vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình bằng cách dứt ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch.

Kết thúc buổi pháp thoại cả đại chúng đồng hoan hỷ.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Hình ảnh ghi nhận được:














Tin Tức Liên Quan