Pháp thoại Phòng Hộ Chuyển Hoá - bài 3

21/07/2020 9:29
Tối 20/7/2020 (nhằm 30/5/Canh Tý), trong buổi sám hối, sau khi đảnh lễ 25 vị Phật, Bồ tát và toạ thiền 15 phút, Thầy Viện chủ Trí Chơn tiếp tục giảng bữa cuối bài sám Phòng hộ và chuyển hoá.

Mỗi bước chân đi vào tịnh độ

Mỗi cái nhìn thấy được pháp thân

Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần

Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ. 

Tập khí năm xưa rồi chuyển hóa

Vườn tâm tuệ giác nở trăm hoa

Niềm an vui đem khắp mọi nhà

Hạt giống tốt gieo về muôn lối. 

Cùng tăng thân xin nguyền ở lại

Nơi cõi đời làm việc độ sanh

Giờ phút này sông núi chứng minh

Cúi xin đức Từ Bi nhiếp thọ.


Tịnh độ là một cảnh giới cực lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ ở phương Tây. Tịnh là vắng lặng, trong sạch, Độ là cảnh giới quốc độ. Tịnh Độ là cảnh giới Phật, cõi Phật, cõi thanh tịnh. Vậy tịnh độ ở nơi đâu? Không nơi nào khác chính là ở ngay tâm an lạc, thanh tịnh của mình. Tâm luôn bực bội, tức tối bởi tham lam sân giận thì làm sao thấy được Tịnh độ ngay trong giây phút này được? Cho dù Phật A Di Đà có hiện ra trước mặt cũng khước từ.

Còn nhiễm ô, ta nhìn thấy ở đâu? Vì sao ta ở nơi ngũ trược ác thế? Chính là do tâm ta không thanh tịnh, tư tưởng không thanh tịnh, kiến giải không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, hành vi không thanh tịnh. Cho nên nơi ta ở là ngũ trược ác thế.

Cảnh giới này không phải thật. “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bèo bọt”. Cảnh giới bên ngoài này, cảnh giới mộng huyễn bèo bọt này là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Thức chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tùy theo đây mà biến đối. Cho nên tâm thanh tịnh thì cảnh giới liền thanh tịnh. Tâm lương thiện thì cảnh giới liền lương thiện.


A Di Đà là tự tính thanh tịnh ở trong tâm, một khi tâm thanh tịnh thì dù ở bất kỳ cảnh giới nào tâm ta cũng vắng lặng. Nếu trong khoảnh khắc này lòng ta an không sân si, trong vắt thì cõi tịnh độ ngay bây giờ và ở đây

Đức Phật đã dạy rằng tất cả các pháp đều do duyên sinh, cái này có thì cái kia có, cái này tan thì cái kia diệt. Ngài đã hệ thống hóa vòng xích 12 nhân duyên nối chuyền từ vô minh đến sanh, lão, tử: "do Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh Lão Tử, mà hình thành một khối khổ đau vây và quấn chặt lấy nhau".

Qua lăng kính Duyên khởi, thế giới này rõ thật là hoàn toàn vô ngã mà trong Kinh Kim Cương đã thể hiện tinh thần này một cách tuyệt đối: "Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển” hoặc "Nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả".

Tất cả mọi sự vật chung quanh ta hết thảy đều mang tự tính vô ngã, chỉ cần sống chánh niệm trong mỗi phút giây ta sẽ nhận diện thực tướng của các pháp,  và cũng chính nơi đây ta sẽ liễu tri được tự thân con người sinh ra lớn lên rồi già nua và hủy hoại. Đây chính là tiến trình Thành, Trụ, Dị, Diệt của các pháp. Nếu một khi chúng ta thấy rõ bản lai diện mục của các pháp, thì nơi nào một đóa hoa úa tàn, một áng mây tan hay một vầng trăng khuyết thì chúng ta trực nhận rằng: Đó chính là vô ngã, vô thường của sự vật. Khi ta thấy và thấu hiểu giáo pháp tức là khi ấy ta đã thấy và hiểu được Như Lai, hiểu được Thế Tôn.

Con người sinh ra và tồn tại trên cõi đời đều dính chặt sợi dây tham ái mà bị khổ đau đeo bám. Tham ái chính là nguồn cội của mọi khổ đau, là nguyên nhân dẫn đi tái sanh trong vòng luân hồi sinh tử, là nhân duyên đưa đến sự hiện hữu của ngũ uẩn và thế là khổ đau xuất hiện khi những hành động trong vô minh được dẫn dắt bởi tham, sân, si tạo nghiệp và cứ thế chìm đắm mãi trong bể khổ luân hồi. Ái dục là nguyên nhân chính của sinh tử luân hồi, là quả bom tàn phá đạo Bồ đề giải thoát. Nếu ai diệt trừ được ái dục là chặn đứng được sự luân hồi, mở ra cánh cửa giải thoát.


Là người đệ tử Phật phải biết phòng hộ sáu căn. Đây là một trong những pháp tu căn bản. Nhờ có sự phòng hộ sáu căn vững chắc nên gần thì tạo ra nghiệp mới thiện lành, xa hơn là giữ tâm bất động không ham thích mà cũng không chán bỏ khi tiếp xúc với trần duyên. Sáu căn có cảnh giới riêng của chúng, mỗi mỗi tự tìm đến cảnh giới ưa thích của nó, không ưa cảnh giới khác. Như mắt thường tìm đến sắc khả ái, nếu là sắc không vừa ý thì sẽ sinh ra chán. Tai thường tìm âm thanh vừa ý, nếu là âm thanh không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Mũi thường tìm mùi vừa ý, nếu là mùi không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Lưỡi thường tìm vị vừa ý, nếu là vị không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Thân thường tìm chạm vật vừa ý, nếu xúc chạm vật không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Ý thường tìm đến pháp vừa ý, nếu là pháp không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Sáu căn này, chúng có cái lực kham năng tự tại mà lãnh thọ cảnh giới của mình. Vì thế phải duy trì chánh niệm và tỉnh giác, thấy rõ ràng tính duyên sinh của căn và trần, biết tường tận sự sinh diệt, vô thường, giả hợp trong từng sát na của căn, trần, thức mà giữ tâm bất động trước cảnh trần, không sinh yêu ghét.

Tâm chúng ta như một mảnh đất màu mỡ, do đó hãy gieo những hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ để sưởi ấm cho tất cả vạn loại chúng sinh, mang niềm vui, hạnh phúc đến mọi người.


Cùng tăng thân xin nguyền ở lại

Nơi cõi đời làm việc độ sinh

Đây là một chí nguyện lớn của đại thừa. Tăng là một đoàn thể thanh tịnh hoà hợp, lấy sự thanh lương, trong vắt của giới luật làm nền tảng. “Tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Chúng ta là những người con của Đức Như Lai, được tắm mình trong dòng pháp của Ngài. Vì thế đừng ngại ngùng khi lấy giới luật làm hành trang trên bước đường tu học, chắc chắn ta sẽ có một hình tướng trang nghiêm và một tâm hồn tịnh lạc, việc hành trì giới luật cũng chính là làm cho mạng mạch Phật pháp kéo dài, hưng thịnh, thế giới hòa bình và chúng sanh an lạc.

Giờ phút này sông núi chứng minh

Cúi xin Đức từ bi nhiếp thọ

Chính ước nguyện ấy làm động lực để ta tiến tu đi tới mục đích cuối cùng. Có ước nguyện thì đời sống tu hành của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa, suối nguồn hạnh phúc sẽ chảy mãi, tắm mát cuộc đời ta ngay chính bây giờ và mãi ngàn sau. Ngay giờ này, khi còn khỏe mạnh phải lo chăm sóc một nội tâm thanh tịnh, an lạc tuyệt đối, tỉnh giác nội tâm chính là thăng hoa nhân phẩm. Đây chính là dòng nước mát, tưới tẩm hạt giống Phật trong lòng của mỗi người. Mỗi Phật tử hãy siêng năng cần mẫn chăm sóc hạt giống của mình ngày một phát triển xanh tươi, để một ngày kia cây của mình là cây quý, quả của mình là quả ngọt.

Buổi pháp thoại kết thúc trong sự hoan hỷ của mọi người.

Tin:Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được:



















 


Tin Tức Liên Quan